Pages

Translate

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

"Hồi ký miền Trung" bằng ảnh của lính Mỹ


Trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam , Steve Brown là một cựu sĩ quan thông tin liên lạc. Ông đã phục vụ tại các căn cứ của quân đội Mỹ tại Huế và Đà Nẵng trong các năm 1967-1968. Hiện ông đã về hưu, sinh sống tại Ann Arbor , bang Michigan , Mỹ.
Trong khoảng thời gian ở Việt Nam, Steve đã chụp nhiều bức ảnh về các căn cứ quân sự, cũng như phong cảnh, kiến trúc và đời sống của người dân khu vực Huế và Đà Nẵng. Từ năm 2008, ông bắt đầu scan các bức ảnh và đăng tải trên trang Flickr cá nhân của mình. Mỗi bức ảnh được ông chú thích chi tiết về nội dung. Khi xem lại những khung hình chân thực và đầy ắp thông tin của Steve Brown, hẳn nhiều người Việt Nam sẽ không khỏi ngỡ ngàng và nhớ về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Dưới đây là những bức ảnh do Steve Brown thực hiện. 


Đây là tôi, một anh lính. Lúc này tôi đang phục vụ ở sân bay Phú Bài (Huế). Tôi đã ở đây khoảng nửa năm trong quãng thời gian thực hiện nhiệm vụ ở Việt Nam. Đố bạn biết ai đã chụp bức ảnh này? Hãy xem bức ảnh tiếp theo, và bạn sẽ rõ.



Đây chính là anh chàng nhiếp ảnh gia của tôi, một cậu bé thú vị. Cậu bé đã chụp tôi, và sau đó thì tôi chụp lại cậu ta. Lúc này chúng tôi đang ở một phòng khám y tế của Thủy Quân Lục Chiến ở nhà của trưởng thôn Thuỷ Phú, cách thành phố Huế khoảng 12 dặm về phía Nam.


Đây là đại bản doanh của Tiểu đoàn Truyền tin số 37 tại Đà Nẵng, nơi làm việc đầu tiên của tôi trong quân đội Mỹ tại Việt Nam vào năm 1967. Tiều đoàn này đóng quân gấn căn cứ không quân Đà Nẵng. Phía bên trái bức ảnh, bạn có thể thấy 2 trong số các ăng-ten thu phát sóng lớn của chúng tôi. Toà nhà ở giữa là công trình đầu tiên mà mọi người nhìn thấy khi đến doanh trại của chúng tôi.



Còn đây là trạm thu phát tín hiệu trong căn cứ của tôi. Tại đây, chúng tôi tiến hành những công việc rất phức tạp liên quan đến thông tin liên lạc đường dài, kết nối các căn cứ khác nhau ở miền Nam Việt Nam. Hệ thống này được thiết kế bởi các kỹ sư thông tin đến từ Alexandria, Virginia. Bên cạnh tòa nhà chứa các trang thiết bị quan trọng, được gọi là nhà EE này, còn có cả một kho nhiên liệu và một máy phát điện rất lớn để duy trì hoạt động tiêu tốn rất nhiều năng lượng của nó. Chúng tôi đã thua trong cuộc chiến không phải vì công nghệ kém.


Trong nửa đầu năm 1967, tôi đã đóng quân tại căn cứ chính của Mỹ tại Đà Nẵng. Vào đêm 27/2, quân giải phóng đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa để tấn công vào căn cứ không quân tại đây. Không mất nhiều thời gian để nhảy ra khỏi giường khi qua tên lửa đầu tiên rơi xuống. Một quả tên lửa đã phá hủy doanh trại trong bức ảnh. Những binh sĩ trong đã thoát nạn nhờ trú ẩn kịp thời.

May mắn là tổng đài điện thoại quan trọng ở liền kề đã không hứng chiu bất kỳ thiệt hại. Theo các báo cáo chính thức, ít nhất 10 binh sĩ thuộc các đơn vị khác nhau đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Trong số đó có một lính thủy quân lục chiến mà tôi quen, anh A. J. Turner, người từng thực hiện nhiệm vụ liên lạc hàng hải trong đơn vị của tôi. Sau vụ tấn công này, Đà Nẵng hứng chịu thêm hai vụ tương tự trong năm 1967. Tôi là nhân chứng của cả 3 vụ tấn công, mặc dù trong vụ xảy ra ngày 15/7 là từ một địa điểm an toàn trên sườn núi. Trong hai vụ kia, tôi đã đối mặt với những tiếng nổ rất lớn, kéo dài khoảng 20 phút. Trong bóng đêm, có thể nhìn thấy làn sóng lửa lan tỏa như hòn đá ném lên mặt nước. Đó là cảnh tượng không giống với bất kỳ điều gì khác tôi từng chứng kiến trong đời. 


Một cánh cổng mang phong cách kiến trúc Á Đông ở Đà Nẵng. Cảnh cổng đáng yêu này nằm trên bán đảo giữa sông Hàn và biển Đông (Sơn Trà). Có rất nhiều cơ sở quân sự trên bán đảo. Bức ảnh này được tôi chụp trên đường về căn cứ trên núi Khỉ, nơi tôi đóng quân trong 6 tuần.

Bãi biển Đà Nẵng, lúc đó rất nổi tiếng với cái tên “China Beach”. Những bãi cát ở đây trắng mịn như đường kính. Núi Khỉ ở phía xa.




Tôi chụp bức ảnh này trên sông Đà Nẵng từ một tàu đổ bộ của Hải quân Mỹ, khi chúng tôi di chuyển từ Đà Nẵng đến Phú Bài, gần Huế. Núi Khỉ nằm bên bờ sông, nếu nhìn kỹ bạn có thể thấy hai chảo ăng-ten lớn của căn cứ thông tin liên lạc trên núi. Đó chính là nơi tôi đóng quân trong 6 tuần.


Đây là đại bản doanh của Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 3 tại căn cứ lớn ở Phú Bài, cách thành phố Huế khoảng 9 dặm về phía Nam. Trong nửa sau của năm 1967, tôi phục vụ trong căn cứ thông tin liên lạc nằm liền kề với sư đoàn này.

Con “ong biển” ngộ nghĩnh này là vật trang trí trên tòa nhà trụ sở chính của lực lượng Seabeas (Công binh hải quân Mỹ) , trực thuộc Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 3. 
Nhà ga của sân bay Phú Bài (Huế), nằm trên đường tới đơn vị của tôi. Sân bay này ngày nay đã trở thành một sân bay quốc tế hiện đại của miền Trung Việt Nam.





Tôi chụp bức ảnh này trên một chuyến bay vận chuyển hàng hóa của Không quân Mỹ từ Phú Bài đến Đà Nẵng. Tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng (ở hầm hàng). Khi cánh cửa đuôi máy bay mở ra trong một thời gian ngắn, tôi không bỏ lỡ cơ hội để chụp một bức ảnh từ trên cao. Tôi cảm thấy thật may mắn, vì chỉ 30 giây sau cảnh cửa đã đóng lại.

Ngôi chùa Phật giáo được trang trí công phu này nằm trên Quốc lộ 1, cách căn cứ của chúng tôi 3 dặp về phía Nam. Tôi chụp bức ảnh khi đang ngồi trên một chiếc xe jeep.





Đây là một nhà thờ nhỏ ở vùng nông thôn, cách căn cứ quân sự Phú Bài vài dặm về phía Nam. Tôi phục vụ tại Phú Bài trong khoảng 6 tháng.


Những người phụ nữ Việt Nam đang giặt đồ bên một bến sông ở Thủy Phú, một ngôi làng nhỏ nằm dọc theo đường Quốc lộ 1, cách thành phố Huế khoảng 12 dặm về phía Nam. Ảnh chụp cuối năm 1967.


Những người phụ nữ Việt Nam đang trở về nhà từ khu chợ trong làng Thủy Phú.





Một người mẹ (hay chị?) mẹ và em bé có cái mũ khá sành điệu. Tôi chụp bức ảnh này trong một phòng khám y tế do lực lượng hải quân Mỹ mở ra trong một ngôi làng gần căn cứ quân sự Phú Bài. Những người dân sở tại vốn thiếu thốn sự chăm sóc y tế đã ủng hộ nhiệt tình cho sự ra mắt của phòng khám này.


Vị dược sĩ này đang pha chế một bài thuốc từ các loại thảo mộc theo những công thức của riêng mình tại một thôn nhỏ ở phía Nam của Huế.





Người nông dân chở những bó rơm bằng chiếc thuyền nhỏ ở vùng nông thôn của Huế. Tôi chụp bức ảnh này từ một chiếc xe jeep, khi chúng tôi đi trên Quốc lộ 1.






Bức ảnh này cũng được chụp từ trên xe jeep tại Quốc lộ 1. Khu vực này trong giống như một hồ nước, nhưng kỳ thực thì nó là những cánh đồng lúa bị ngập nước trong mùa mưa. 

Sông Hương, con sông nổi tiếng của Huế. Tôi đang ngồi trên một con tàu chở quân loại nhỏ của hải quân Mỹ khi tôi chụp bức ảnh này. Chúng tôi đã mất một đêm để đi từ vùng vịnh Đà Nẵng đến cửa sông. Trong ánh bình minh, con tàu đi đi thêm vài dặm nữa để đến thành phố Huế. Trên chặng đường này, chúng tôi đã bắt gặp một cặp đôi thú vị: hai con thuyền của người Việt bám sát nhau.



Một đền thờ nhỏ nằm bên bờ sông Hương, được chụp từ con tàu của hải quân Mỹ. Ngay phía trước ngôi đền, những đứa trẻ đang vẫy tay chào chúng tôi.


Khung cảnh thơ mộng của một khu dân cư nằm bên bờ sông Hương, thuộc vùng ngoại ô của thành phố Huế.


Có rất nhiều thứ để ngắm nhìn trên dòng sông Hương của Huế. Hãy nhìn kỹ, bạn sẽ thấy một cậu bé đang bơi về phía con tàu của chúng tôi. Cậu ta sẽ xin kẹo, và chúng tôi thì luôn có sẵn kẹo cho những tình huống như thế này. 


Với những ngôi nhà và thuyền bè đậu san sát, bức ảnh này đã thể hiện được không khí nhộn nhịp, đông đúc của bờ sông Hương tại thành phố Huế một cách hoàn hảo.



Một đường phố ở Huế, được tôi chụp từ thùng chiếc xe tải loại nửa tấn của quân đội Mỹ khi chiếc xe chạy qua Huế, thành phố từng là thủ phủ xinh đẹp của xứ sở Đông Dương. Có thể cảm nhận được hơi thở bình yên của cuộc sống hàng ngày ở nơi đây, mặc dù các cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở nhiều khu vực xung quanh. Thật không may, chỉ 3 tháng sau khi tôi chụp những bức ảnh ở Huế, thành phố này đã trở thành tâm điểm của cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân.


Những người dân đạp xe ở Huế. Tôi chụp bức ảnh này tại một đường phố yên tĩnh, ngay trước một văn phòng du lịch của Huế. Huế đã có một văn phòng du lịch, ngay cả trong thời kỳ chiến tranh, ít nhất là trước tháng 2/1968, thời điểm xảy ra biến cố Tết Mậu Thân. Ở phía xa là tháp chuông của một nhà thờ Công giáo hoành tráng, được khánh thành vào năm 1962, theo tôi được biết.





Đây là những người làm vườn Việt Nam tại thành phố Huế. Họ rất tự hào về công việc mà mình làm. 

Một tòa biệt thự trong khu nhà vườn phong cách Huế. Tôi chụp bức ảnh này từ phía sau xe tải của quân đội trong một chuyến đi công vụ tại Huế. Bức ảnh được chụp 4 tháng trước khi xảy ra cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, và tôi thường tự hỏi không biết ngôi nhà này có bị hư hỏng vì các cuộc chiến đấu trong thành phố hay không. 



Cổng Hiền Nhơn là một trong những cửa ô đẹp dẫn vào Hoàng thành ở Huế. Công trình này đã bị hư hại trong cuộc chiến Tết Mậu Thân, nhưng sau đó đã được khôi phục. Bức ảnh được chụp trong một chuyến tham quan khu vực Hoàng thành.




Nội thất phía trong Cung Diên Thọ, là cung điện của Hoàng thái hậu triều Nguyễn. Đây là một trong những cung điện lịch sử đẹp nằm trong Hoàng thành Huế.



Điện Phụng Tiên là một ngôi điện cổ nằm ở phía trước cung Diên Thọ. Bóng người đội mũ ở góc phía dưới, bên phải bức ảnh là hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi.





Điện Thái Hòa ở Huế là nơi hoàng đế đón tiếp các chức sắc khi ngồi trên ngai vàng của mình. Nơi tôi đang đứng là sân Đại triều, nơi các quan lại đứng xếp hàng khi yết kiến nhà vua.



Các vị vua nhà Nguyễn cai trị đất nước từ ngai vàng trong điện Thái Hoà. 


Cái ao yên tĩnh này là một trong hai ao nằm giữa Ngọ Môn và điện Thái Hoà trong khu vực đại nội của Hoàng thành Huế. Bức ảnh được tôi chụp từ phía trên của Ngọ Môn.



Hai nữ họa sĩ ở Đại Nội. Đây là bức ảnh yêu thích của tôi từ khi phục vụ tại Việt Nam năm 1967. Có một trường nghệ thuật trong di tích lịch sử Hoàng thành tại Huế, và hai cô gái này đang vẽ ở phía trước của Ngọ Môn. Tôi không nhớ là mình đã chụp bức ảnh này một cách vu vơ, hay là do tư thế gợi cảm của cuả cô gái. 

Nhà thờ xinh đẹp này nằm ở phía nam của sông Hương.



Nguyệt là một phụ nữ trẻ đáng yêu, làm quản lý một cửa hàng quà tặng tại căn cứ quân sự của chúng tôi tại Phú Bài, gần Huế. Cô là hình mẫu điển hình cho những người phụ nữ xinh đẹp mà bạn có thể bắt gặp ở Huế. Chồng cô phục vụ trong Không lực VNCH.



Khi chiếc xe jeep của chúng tôi dừng lại, cậu bé này chạy đến và tạo dáng như thể rất muốn được chụp hình, và tôi đã đáp ứng nguyện vọng của cậu.


Một nhà thờ Công giáo lớn ở phía nam của Huế (nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế), được mở cửa vào năm 1962. Tôi chụp bức ảnh này trong quá trình thi hành công vụ quân đội trong năm 1967.




Những góc nhìn khác về toà nhà thờ đồ sộ trên.


Ngọn Tháp này được xây dựng vào năm 1844 tại chùa Thiên Mụ, nằm bên bờ sông Hương, cách thành phố Huế 3 dặm về phía Tây.


Một lối đi bằng bê tông đang được xây dựng trên núi Khỉ, nơi tôi công tác khoảng 6 tuần trong khoảng thời gian ở Việt Nam. Bên sườn núi này là một trạm chỉ huy thông tin liên lạc (được mệnh danh là Mắt Thần Đông Dương). Khi tôi đến đây, những người thợ xây đang xây dựng một cầu thang dẫn từ doanh trại phía dưới lên trạm. 



Đây là quang cảnh của con đường dẫn đến cơ sở thông tin liên lạc của chúng tôi ở phía Bắc núi Khỉ. Có thể nhìn thấy ở phía xa những đỉnh núi nhô lên bên vịnh Đà Nẵng.


Phong cảnh của vịnh Đà Nẵng nhìn từ núi Khỉ. Từ tuyến đường trên núi Khỉ, bạn có thể được nhìn nhiều khung cảnh tuyệt vời của vùng biển và những ngọn núi nằm giữa Đà Nẵng và Huế. Khung cảnh ở đây là hướng Bắc, nơi Quốc lộ 1 chạy qua đèo Hải Vân nổi tiếng, dẫn đến Huế. Góc trái bên dưới tấm ảnh là hòn đá được gọi là "Boom-Boom-Rock", một điểm làm mốc của lính Mỹ trên núi.

Một khung cảnh khác nhìn từ núi Khỉ.


Trong khoảng thời gian đóng quân trên núi Khỉ, chúng tôi đã rất nhiều lần được chứng kiến cảnh hoàng hôn quyến rũ ở nơi đây.

BÁN ĐẢO SƠN TRÀ – QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN




Nhìn từ đèo Hải Vân, Bán đảo Sơn Trà như con sư tử của núi rừng Trường Sơn vươn mình ra với cát trắng, với biển Đông. Là khối núi chạy theo hướng Đông - Tây, chiều dài 13 km chiều rộng 5km, chỗ hẹp nhất 2km. Bán đảo có diện tích trên 4.370 ha, cách trung tâm thành phố 7km về hướng Đông - Bắc. Địa hình bán đảo chia cắt mạnh mẽ tạo thành những khu vực có cảnh quan đặc biệt. Vòng quanh bán đảo là một màu xanh ngọc bích của biển cả. Trải dài, xen lẫn theo những ghềnh đá là các bãi cát trắng phau: Tiên Sa, Bãi Bụt, Bãi Rạng, Bãi Trẹm, Bãi Nam, Bãi Bắc ... còn rất hoang sơ. Mỗi bãi một nét khác nhau. Tuyệt đẹp! Đỉnh cao nhất của bán đảo là 696m và nhiều đỉnh cao trên 500m. Từ đây, du khách sẽ nhìn bao quát cả thành phố Đà Nẵng, sông Hàn xa xăm như một dãi lụa nhỏ, xa xa là biển Xuân Thiều - Thanh Bình - Mỹ Khê - Non Nước ... rực lên trong ánh nắng chiều. Những đêm trăng lặng gió, cả thành phố hiện lên như một chiếc đĩa ngọc được tạo hóa ban tặng, lung linh và huyền hoặc.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, Sơn Trà vẫn nguyên vẹn là một bảo tàng thiên nhiên giữa lòng thành phố Đà Nẵng, vừa là bức bình phong vững chãi, vừa là một lá phổi lớn của thành phố. Tất cả tạo nên một hệ sinh thái hết sức đa dạng và độc đáo.







Một số tiêu chí quy hoạch xây dựng Khu đô thị DLST Sơn Trà:



Từ khi có nghị quyết 33 của Bộ chính trị (tháng 10/2003, về việc kết hợp phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng trên bán đảo Sơn Trà) và quyết định số 1397 của UBND Tp Đà Nẵng (phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng khu đô thị du lịch Bán đảo Sơn Trà) thì phát triển du lịch ở Sơn Trà đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.

Trong thời gian qua, Thành phố đã tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho các dự án phát triển du lịch. Kết nối con đường vòng cung du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành, qua cầu Thuận Phước nối với con đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, tạo thành tuyến và các điểm du lịch liên hoàn. Trên tuyến đó, "trường nhìn" của du khách sẽ cảm nhận cảnh quan thành phố với nhiều điểm nhấn: “Làng trong phố”, “Núi trong thành phố”, “Phố giữa lòng biển khơi”. Đường ra bãi Bắc đang được đầu tư xây dựng và tương lai không xa sẽ có đường vòng quanh bán đảo. Dự án cấp nước bán đảo Sơn Trà cũng đang trong quá trình triển khai. Hiện có 6 dự án du lịch đã và đang đầu tư xây dựng, với tham vọng hình thành các khu du lịch sinh thái (DLST) nghỉ dưỡng cao cấp cùng các dịch vụ giải trí thể thao biển. Song song với việc đầu tư xây dựng các khu DLST núi - biển, thành phố đang quy hoạch khai thác các cụm biệt thự du lịch như: Khu biệt thự Suối Đá, Khu biệt thự Hồ Xanh. Tuy nhiên, bên cạnh sự đầu tư và khai thác mạnh mẽ để phát triển du lịch, thì vấn đề ảnh hưởng tác động đến môi trường sinh thái của bán đảo Sơn Trà cần phải được đặt ra.

Vì thế, vấn đề quan trọng hiện nay là công tác quy hoạch và xây dựng tại bán đảo Sơn Trà cần phải có những định hướng cụ thể, nhằm mục đích tạo dựng, tổ hợp và liên kết các không gian chức năng. Trên cơ sở đó, tạo ra sự cân bằng, mối quan hệ tổng hòa của thành phần tự nhiên (địa hình địa mạo, mặt nước, cây xanh ...) và thành phần nhân tạo (kiến trúc công trình, giao thông ...). Tổ chức không gian đô thị du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Khách du lịch, tài nguyên du lịch, điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội, HTKT, nhân lực và trình độ quản lý, mối quan hệ vùng, cơ chế - chính sách. Bán đảo Sơn Trà hội đủ nhiều yếu tố để trở thành khu đô thị DLST trong tương lai, với những sản phẩm DLST đặc trưng, có tính cạnh tranh cao.

Phát triển Đô thị du lịch sinh thái Sơn Trà (ĐTDLST Sơn Trà) trên quan điểm phát triển bền vững, lấy DLST làm trọng tâm, xác định các chỉ số về cấu trúc và hình thể của không gian (các yếu tố mang tính vật thể) làm cơ sở cho việc thực thiện các dự án phát triển. Quy hoạch phát triển DLST cần phải nghiên cứu xem xét đầy đủ về "sức chứa" của các điểm du lịch. Đó là sự vượt trội của các thành phần tự nhiên so với thành phần nhân tạo, hạn chế tối đa sự can thiệp vào môi trường thiên nhiên. Phân khu chức năng trong việc định hướng phát triển được chia thành: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng bảo tồn phát triển, vùng đệm và vùng phát triển. Từ đó làm cơ sở để quản lý và bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường, tính đa dạng sinh học.

Bên cạnh một bộ khung quy hoạch được duyệt, thì công tác thiết kế kiến trúc công trình cần đặc biệt quan tâm. Các công trình trong khu đô thị DLST cần lấy cảm hứng từ thiên nhiên, trên nền tảng quan điểm kiến trúc hữu cơ và cộng sinh. Kiến trúc công trình phải đi xa hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu về công năng đơn thuần, để trở thành một phần độc đáo của cảnh quan đô thị DLST. Giải pháp kiến trúc phải phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu, tạo ra tỷ lệ hài hòa giữa kiến trúc - con người - thiên nhiên. Các vật liệu địa phương được cân nhắc sử dụng như: gỗ, sỏi, đá, mái ngói, mái lá, tre ... Nên sử dụng màu xanh của cây lá, màu nâu của đất và màu xám của đá núi, thân cây... Góp phần tạo nên phong cách kiến trúc bản địa - đặc trưng cho bán đảo Sơn Trà.

Các loại hình dịch vụ du lịch cần được khuyến khích đầu tư tại ĐTDLST Sơn Trà như: Du lịch dã ngoại - Các khu resort cao cấp - Du lịch tín ngưỡng - Các khu biệt thự sườn núi - Trung tâm ẩm thực biển - CLB du thuyền - Nhà trưng bày sinh vật biển - Vườn thú - Các sân golf mini - Phim trường - Đồi Casino - Vườn thuốc - Vật lý trị liệu - Du lịch lặn biển - Du lịch mạo hiểm ...







Xây dựng cơ chế quản lý đầu tư xây dựng:



Để bảo đảm phát triển bền vững, bán đảo Sơn Trà cần phải có chiến lược phát triển dài hạn, quy hoạch chung, phân khu chức năng, phân vùng quản lý rõ ràng làm cơ sở cho việc tổ chức phối hợp quản lý quy hoạch và xây dựng. Ban hành điều lệ xây dựng riêng, các dự án khi được đầu tư xây dựng tại bán đảo nên tổ chức các cuộc thi để chọn ra phương án tối ưu, nhằm nâng cao tính đặc sắc của công trình, để cùng với thiên nhiên tạo dựng một khu đô thị du lịch mang tính đặc trưng cao. Trong quá trình lập và xét duyệt các dự án đầu tư xây dựng cần phải tham khảo ý kiến của các ngành liên quan. Nghiên cứu và xây dựng các chính sách đầu tư, giảm tiền thuê đất để khuyến khích mật độ xây dựng thấp. Lập kế hoạch tuyên truyền giáo dục cộng đồng, thường xuyên kiểm tra và có biện pháp mạnh đối với những người phá rừng lấy gỗ, săn bắt thú, xây dựng ý thức giữ gìn môi trường sinh thái trong cộng đồng cư dân đô thị.

Hy vọng trong tương lai, khu vực bán đảo Sơn Trà sẽ thức giấc vươn vai trở thành một ĐTDLST có tên trên bản đồ du lịch thế giới. Hình thành một chuỗi các khu du lịch nghỉ dưỡng núi - biển cao cấp với đầy đủ các loại hình du lịch, dịch vụ phong phú. Nơi tìm đến của các nhà khoa học sinh thái, một đô thị du lịch với hệ sinh thái được bảo tồn và phát triển đa dạng.