Hoa sen là một loài hoa thanh khiết và có truyền thống lâu đời nhất ở phương Đông. Đây là một loài thực vật sống dưới nước có nguồn gốc Á Châu và chiếm giữ một vị trí cổ xưa trong tất cả nền văn hóa đặc biệt của phật giáo. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo, tư tưởng sâu kín.
"Thoát bùn nở đóa sen thanh
Bùn tanh mà vẫn lọc nên hương trời"
Mặc dù sinh ra trong bùn lầy nhưng hoa sen không bị ô nhiễm mà lại có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh sống, vì hoa sen hễ mọc ở nơi nào thì sẽ làm cho nước đục nơi đó lắng trong. Sen có cả hương lẫn sắc, nhưng hương sen không quá nồng mà dịu, gợi một tinh thần cao thượng. Sắc sen kín đáo, đằm thắm, cánh trắng phớt hồng, nhụy vàng. Từ khi nở đến khi tàn không hề bị ong bướm bén mảng tới. Qua bao ràng buộc bởi đất, nước đến được chỗ khoáng đạt hư không, sen tiếp tục vươn lên dưới ánh mặt trời, kết lấy hoa khai nở, khoe sắc và xông hương tràn ngập không gian.
Trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển Phật pháp, trí tuệ dẫn đến niết bàn. Trên thế giới ít có loài hoa nào có nhiều phẩm chất cao quý như hoa sen. Bởi vậy mà nhà Phật ví nó như những đức tính của người tu hành.
Sen trắng
Sen trắng tượng trưng cho sự thuần hóa của nhân tính, bồ đề tâm hay còn gọi là giác tâm, thường có 8 cánh ứng với Bát chính đạo. Nó là đặc trưng của phái Mật tông và là đoá sen của các vị Phật.
Sen đỏ
Sen đỏ tượng trưng cho bản chất nguyên thủy của trái tim, là đoá hoa của tình yêu, đam mê và sự năng động. Đây là loại sen của Quan Thế Âm.
Sen xanh
Sen xanh là biểu tượng của trí tuệ, tri thức của chiến thắng của tinh thần đối với các cảm quan. Đây là loại sen của Văn Thù Sư Lợi, hiện thân của trí tuệ viên thành.
Sen hồng
Sen hồng là loại sen tối thượng, thường được dành cho các vị tối cao, là đoá sen của vị Phật lịch sử.
Sen tím thẫm
Sen tím thẫm là đóa sen huyền diệu, biểu thị những ảnh tượng của phái Mật tông. Các đoá hoa có thể đang còn e ấp hoặc đã được nở bung hết. Chúng có thể được nâng đỡ bởi một cọng hay ba cọng hoa (tượng trưng cho ba phần của Garbhabatu: Vairocana, hoa sen và vajra) hoặc năm cánh hoa tượng trưng cho Năm tri thức của Vajradhatu.
Hoa sen biểu tượng cho chân lý. Và chân lý đó là chân lý hiện thực trong cuộc đời, nó hiển thị giữa trần thế lắm ưu phiền và tục lụy. Về mặt xã hội và tôn giáo, hoa sen biểu trưng cho con đường "nhập thế sinh động" của Phật giáo. Ðó là những thành ngữ thường được dùng như "Cư trần bất nhiễm trần" (Sống trong trần thế nhưng không bị ô nhiễm bởi trần thế). Hoặc "Phật pháp bất ly thế gian" (Phật pháp không rời khỏi thế gian mà có). Hoặc "Muốn đến Niết Bàn hãy vào đường sinh tử" v.v... Về mặt triết lý, hoa sen tượng trưng cho nhân quả cùng thời...
Trong kiến trúc Phật giáo, hình tượng hoa sen được lồng vào cấu trúc nhà, một bộ phận kiến trúc hoặc cả tổng thể công trình với ý nghĩa về sự giải thoát, giác ngộ Phật pháp. Những công trình kiến trúc tiêu biểu với hình tượng hoa sen thường xuất hiện trong những giai đoạn hưng thịnh của Phật giáo. Đó là thời Lý thế kỷ thứ 11 với Chùa Một Cột - Hà Nội; thế kỷ thứ 17 với tháp Cửu phẩm liên hoa, Chùa Bút Tháp - Bắc Ninh; thế kỷ 18 với Chùa Tây Phương - Hà Tây, Chùa Kim Liên - Hà Nội.
Những đức tánh của hoa sen:
* TÁNH KHÔNG NHIỄM - Cây sen là một loại cây mọc dưới bùn lầy dơ bẩn nhưng có tánh không nhiễm ô. Đó là một đức tánh cao quí không thể tìm thấy ở các loại cây khác. Thế nên nó được người đời ca tụng về tánh vô nhiễm ấy, như câu ca dao mà ta thường nghe :
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại che nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Trong sách nho, người quân tử được ví với viên bạch ngọc ở trong bùn mà không hoại sắc, còn trong nhà Phật thì kẻ tu hành được ví với hoa sen, cũng vì cái tánh không nhiễm ấy.
* TÁNH TRỪNG THANH– Ngoài tánh vô nhiễm, mọc trong bùn mà không nhiễm bùn, cây sen còn có đức tánh, hễ mọc nơi nào thì làm cho nước đục nơi đó lóng trong. Đã không nhiễm mà lại còn biến cải hoàn cảnh chung quanh mình thì hoa sen có thể sánh với đức tánh cảm hóa của người tu hay người quân tử
* HƯƠNG VỊ THÙY MỊ– Hoa sen có một hương vị đặc biệt khác hơn các loại hoa. Có thứ hoa có sắc mà không hương; có thứ hoa có hương mà không sắc. Đến như hoa sen thì hương sắc đều gồm đủ, nhưng về hương thì mùi thơm của hoa sen rất dịu, rất thùy mị, gây nơi người ngửi nó một tinh thần cao thượng, khác hơn hương hoa hường quá nồng, hoa dạ lý hương quá gắt, kích thích những ý nghĩ về dục lạc, còn về sắc thì hoa sen đều đặn nhất, ngoài hợp những tai hoa hoặc trắng hoặc hồng, trang điểm thêm những nhụy vàng rất xinh xắn, trông vừa kín đáo vừa đầm thấm, như hạnh của người tu, không lả lơi hay khêu gợi như các hoa khác.
* TÁNH TINH KHIẾT- Trong các loại hoa, có thể nói hoa sen là trong sạch hơn hết, từ khi hoa nở cho đến khi hoa tàn, chẳng hề có bướm ong bén mảng, không như hoa hường, hoa lan, hoa cúc, hoa thọ... tấp nập rủ bướm quấn ong, con thì giữa hoa, con thì hút mật, làm cho các tai hoa bần nhơ những phấn bụi. Bởi hoa sen tinh khiết như thế nên được người đặc biệt chọn để cúng dường ngôi Tam bảo.
* TÁNH CỐ GẮNG VÀ KIÊN NHẪN- Ngoài các đức tánh thanh bạch, vô nhiễm, cây sen còn có đức tánh cố gắng và kiên nhẫn. Hãy xem sự sinh thành của cây sen sẽ thấy, không giờ phút nào sen không cố gắng và kiên nhẫn chịu đựng mọi hoàn cảnh khó khăn.
- Hạt giống để lâu không hư: Trong các hạt giống, có thể nói, hạt sen giữ lâu đã không hoại mà vẫn còn duy trì mầm sống mãi mãi, có lẽ nhờ các vỏ cứng bên ngoài bao bọc. Nhiều cuộc thí nghiệm đã chứng minh điều ấy. Như từ năm 1843 đến năm 1855, ông Bobert Brown, nhà thảo mộc học nước Anh đã đem ương những hạt sen hái từ 150 năm về trước. Trong 16 hạt có đến 14 hạt mọc mầm đâm tược. Năm 1942, Bác sĩ J. Bamsbattơm đem thể nghiệm những hạt sen hái từ 237 năm, đều thấy kết quả không kém. Sau đó, bác sĩ Ichiroohga nhà thảo mộc học nước Nhật, đem ương những hạt sen độ 400 năm, đào được ở Mãn Châu, vẫn thấy mọc lên tươi tốt.
Những cuộc thí nghiệm ấy đủ cho ta thấy hạt sen, dù để lâu vẫn giữ mầm sống của nó không ủng, có thể ví với hạt giống (chủng tử) của các nghiệp tàng ẩn trong tạng thức, một khi gặp đủ nhân duyên thì phát triển rất mau.
- Từ trong bùn mọc lên: Khác hơn nhiều loại cây, thường mọc trên khô cạn, cây sen mọc trong bùn, sâu dưới đáy nước. Cái mầm phá cho được cái vỏ cứng để chui ra, đã là một sự cố gắng lớn lao và nhiều kiên nhẫn; nhưng khi chui ra được rồi, ngó sen còn phải cố gắng vượt cho hết lớp bùn hôi tanh để ngóc đầu ngoi lên trong nước.
- Vượt qua lớp nước sâu: Tuy từ bỏ lớp bùn đất nhơ bẩn vượt lên trên mặt nước, nhưng cây sen chưa lấy thế làm thỏa mãn, nó còn cố gắng vượt qua lớp nước đục ở tận đáy để ngoi lên lớp nước trong, càng vượt lên càng làm cho hoàn cảnh vẩn đục bao bọc chung quanh minh trở nên trong sạch ấm áp.
- Vượt lên hư không: Mặc dầu phá vỡ bao nhiêu ràng buộc bởi đất và nước để vượt ra chỗ khoáng đạt hư không, sen cũng chưa hết cố gắng. Nó còn cố ngóc đầu và vượt lên giữa ánh sáng mặt trời. Kết lấy đóa hoa để rồi một hôm, khi cuộc tiến hóa viên mãn, khoát nhiên khai nở, khoe màu sắc thanh tươi và xông hương thơm tràn ngập trong không gian.
Sự sinh thành của cây sen, xem đó là một tấm gương kiên nhẫn và cố gắng. Nó hàm súc một triết lý cao siêu về sức sống cua con người, tiêu biểu đức tánh cần cù và tinh tiến của kẻ tu hành tiến trên con đường giải thoát đầy gian lao nguy khổ.
Phải chăng nhờ gồm đủ những đức tánh: thanh bạch, tinh tiến, kiên nhẫn, cảm hóa... như đức tánh của kẻ tu hành mà Hoa Sen được quí trọng và dùng làm đối tượng tiêu biểu những triết lý mầu nhiệm trong đạo Phật.
Một số Nàng sen:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
ktsminhhaidn@gmail.com