Pages

Translate

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

BÁN ĐẢO SƠN TRÀ – QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN




Nhìn từ đèo Hải Vân, Bán đảo Sơn Trà như con sư tử của núi rừng Trường Sơn vươn mình ra với cát trắng, với biển Đông. Là khối núi chạy theo hướng Đông - Tây, chiều dài 13 km chiều rộng 5km, chỗ hẹp nhất 2km. Bán đảo có diện tích trên 4.370 ha, cách trung tâm thành phố 7km về hướng Đông - Bắc. Địa hình bán đảo chia cắt mạnh mẽ tạo thành những khu vực có cảnh quan đặc biệt. Vòng quanh bán đảo là một màu xanh ngọc bích của biển cả. Trải dài, xen lẫn theo những ghềnh đá là các bãi cát trắng phau: Tiên Sa, Bãi Bụt, Bãi Rạng, Bãi Trẹm, Bãi Nam, Bãi Bắc ... còn rất hoang sơ. Mỗi bãi một nét khác nhau. Tuyệt đẹp! Đỉnh cao nhất của bán đảo là 696m và nhiều đỉnh cao trên 500m. Từ đây, du khách sẽ nhìn bao quát cả thành phố Đà Nẵng, sông Hàn xa xăm như một dãi lụa nhỏ, xa xa là biển Xuân Thiều - Thanh Bình - Mỹ Khê - Non Nước ... rực lên trong ánh nắng chiều. Những đêm trăng lặng gió, cả thành phố hiện lên như một chiếc đĩa ngọc được tạo hóa ban tặng, lung linh và huyền hoặc.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, Sơn Trà vẫn nguyên vẹn là một bảo tàng thiên nhiên giữa lòng thành phố Đà Nẵng, vừa là bức bình phong vững chãi, vừa là một lá phổi lớn của thành phố. Tất cả tạo nên một hệ sinh thái hết sức đa dạng và độc đáo.







Một số tiêu chí quy hoạch xây dựng Khu đô thị DLST Sơn Trà:



Từ khi có nghị quyết 33 của Bộ chính trị (tháng 10/2003, về việc kết hợp phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng trên bán đảo Sơn Trà) và quyết định số 1397 của UBND Tp Đà Nẵng (phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng khu đô thị du lịch Bán đảo Sơn Trà) thì phát triển du lịch ở Sơn Trà đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.

Trong thời gian qua, Thành phố đã tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho các dự án phát triển du lịch. Kết nối con đường vòng cung du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành, qua cầu Thuận Phước nối với con đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, tạo thành tuyến và các điểm du lịch liên hoàn. Trên tuyến đó, "trường nhìn" của du khách sẽ cảm nhận cảnh quan thành phố với nhiều điểm nhấn: “Làng trong phố”, “Núi trong thành phố”, “Phố giữa lòng biển khơi”. Đường ra bãi Bắc đang được đầu tư xây dựng và tương lai không xa sẽ có đường vòng quanh bán đảo. Dự án cấp nước bán đảo Sơn Trà cũng đang trong quá trình triển khai. Hiện có 6 dự án du lịch đã và đang đầu tư xây dựng, với tham vọng hình thành các khu du lịch sinh thái (DLST) nghỉ dưỡng cao cấp cùng các dịch vụ giải trí thể thao biển. Song song với việc đầu tư xây dựng các khu DLST núi - biển, thành phố đang quy hoạch khai thác các cụm biệt thự du lịch như: Khu biệt thự Suối Đá, Khu biệt thự Hồ Xanh. Tuy nhiên, bên cạnh sự đầu tư và khai thác mạnh mẽ để phát triển du lịch, thì vấn đề ảnh hưởng tác động đến môi trường sinh thái của bán đảo Sơn Trà cần phải được đặt ra.

Vì thế, vấn đề quan trọng hiện nay là công tác quy hoạch và xây dựng tại bán đảo Sơn Trà cần phải có những định hướng cụ thể, nhằm mục đích tạo dựng, tổ hợp và liên kết các không gian chức năng. Trên cơ sở đó, tạo ra sự cân bằng, mối quan hệ tổng hòa của thành phần tự nhiên (địa hình địa mạo, mặt nước, cây xanh ...) và thành phần nhân tạo (kiến trúc công trình, giao thông ...). Tổ chức không gian đô thị du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Khách du lịch, tài nguyên du lịch, điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội, HTKT, nhân lực và trình độ quản lý, mối quan hệ vùng, cơ chế - chính sách. Bán đảo Sơn Trà hội đủ nhiều yếu tố để trở thành khu đô thị DLST trong tương lai, với những sản phẩm DLST đặc trưng, có tính cạnh tranh cao.

Phát triển Đô thị du lịch sinh thái Sơn Trà (ĐTDLST Sơn Trà) trên quan điểm phát triển bền vững, lấy DLST làm trọng tâm, xác định các chỉ số về cấu trúc và hình thể của không gian (các yếu tố mang tính vật thể) làm cơ sở cho việc thực thiện các dự án phát triển. Quy hoạch phát triển DLST cần phải nghiên cứu xem xét đầy đủ về "sức chứa" của các điểm du lịch. Đó là sự vượt trội của các thành phần tự nhiên so với thành phần nhân tạo, hạn chế tối đa sự can thiệp vào môi trường thiên nhiên. Phân khu chức năng trong việc định hướng phát triển được chia thành: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng bảo tồn phát triển, vùng đệm và vùng phát triển. Từ đó làm cơ sở để quản lý và bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường, tính đa dạng sinh học.

Bên cạnh một bộ khung quy hoạch được duyệt, thì công tác thiết kế kiến trúc công trình cần đặc biệt quan tâm. Các công trình trong khu đô thị DLST cần lấy cảm hứng từ thiên nhiên, trên nền tảng quan điểm kiến trúc hữu cơ và cộng sinh. Kiến trúc công trình phải đi xa hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu về công năng đơn thuần, để trở thành một phần độc đáo của cảnh quan đô thị DLST. Giải pháp kiến trúc phải phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu, tạo ra tỷ lệ hài hòa giữa kiến trúc - con người - thiên nhiên. Các vật liệu địa phương được cân nhắc sử dụng như: gỗ, sỏi, đá, mái ngói, mái lá, tre ... Nên sử dụng màu xanh của cây lá, màu nâu của đất và màu xám của đá núi, thân cây... Góp phần tạo nên phong cách kiến trúc bản địa - đặc trưng cho bán đảo Sơn Trà.

Các loại hình dịch vụ du lịch cần được khuyến khích đầu tư tại ĐTDLST Sơn Trà như: Du lịch dã ngoại - Các khu resort cao cấp - Du lịch tín ngưỡng - Các khu biệt thự sườn núi - Trung tâm ẩm thực biển - CLB du thuyền - Nhà trưng bày sinh vật biển - Vườn thú - Các sân golf mini - Phim trường - Đồi Casino - Vườn thuốc - Vật lý trị liệu - Du lịch lặn biển - Du lịch mạo hiểm ...







Xây dựng cơ chế quản lý đầu tư xây dựng:



Để bảo đảm phát triển bền vững, bán đảo Sơn Trà cần phải có chiến lược phát triển dài hạn, quy hoạch chung, phân khu chức năng, phân vùng quản lý rõ ràng làm cơ sở cho việc tổ chức phối hợp quản lý quy hoạch và xây dựng. Ban hành điều lệ xây dựng riêng, các dự án khi được đầu tư xây dựng tại bán đảo nên tổ chức các cuộc thi để chọn ra phương án tối ưu, nhằm nâng cao tính đặc sắc của công trình, để cùng với thiên nhiên tạo dựng một khu đô thị du lịch mang tính đặc trưng cao. Trong quá trình lập và xét duyệt các dự án đầu tư xây dựng cần phải tham khảo ý kiến của các ngành liên quan. Nghiên cứu và xây dựng các chính sách đầu tư, giảm tiền thuê đất để khuyến khích mật độ xây dựng thấp. Lập kế hoạch tuyên truyền giáo dục cộng đồng, thường xuyên kiểm tra và có biện pháp mạnh đối với những người phá rừng lấy gỗ, săn bắt thú, xây dựng ý thức giữ gìn môi trường sinh thái trong cộng đồng cư dân đô thị.

Hy vọng trong tương lai, khu vực bán đảo Sơn Trà sẽ thức giấc vươn vai trở thành một ĐTDLST có tên trên bản đồ du lịch thế giới. Hình thành một chuỗi các khu du lịch nghỉ dưỡng núi - biển cao cấp với đầy đủ các loại hình du lịch, dịch vụ phong phú. Nơi tìm đến của các nhà khoa học sinh thái, một đô thị du lịch với hệ sinh thái được bảo tồn và phát triển đa dạng.

1 nhận xét:

  1. e rất tâm đăc những nhận xét và chiến lượt phát triển bán đảo sơn trà của anh...em xin phép được đưa những quan điểm này vào đồ án tốt nghiệp sắp tới này của e mong anh đồng ý và giúp đỡ ... chúc anh và gia đình thật nhìu sức khỏe

    Trả lờiXóa

ktsminhhaidn@gmail.com