Pages

Translate

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Sự biến mất của sức mạnh!




“Luôn luôn phải bảo vệ kẻ mạnh chống lại kẻ yếu”[1]. Nếu đọc qua, mệnh đề này của Nietzsche có vẻ như phản tiến bộ, và khó chấp nhận. Nhưng nếu đặt nó trong toàn bộ quan niệm của ông về sức mạnh và về kẻ mạnh thì sẽ thấy ông rất có lý. Những phân tích của Deleuze về vấn đề sức mạnh hoạt năng và sức mạnh phản ứng của Nietzsche cho thấy rất khó để trở thành kẻ mạnh.

Theo Nietzsche, ở kẻ mạnh, sức mạnh hoạt năng chiến thắng bằng cách chế ngự sức mạnh phản ứng, và bằng cách vươn tới tự khẳng định mình. Kẻ mạnh tự khẳng định mình trong tư cách là kẻ sáng tạo. Bản chất của kẻ mạnh là sáng tạo và khẳng định sự khác biệt của mình, chứ không phải là phủ nhận kẻ khác. Và yếu tố sáng tạo gắn liền với yếu tố phê phán. Phê phán được hiểu là “sự phá hủy trở thành hoạt năng”. Nhờ năng lực phê phán mới có thể sáng tạo ra các ý nghĩa mới và các giá trị mới. Do vậy, kẻ mạnh là kẻ có khả năng phê phán, có khả năng tự phê phán (tự hủy diệt), và có khả năng chấp nhận sự phê phán. Bởi thế, phê phán và tự phê phán là điều kiện thiết yếu để đạt tới sự hoàn thiện, để nâng cao sức mạnh, để biến sức mạnh phản ứng thành sức mạnh hoạt năng. (Xin xem thêm bài “Phê phán và siêu nhân”).

Nietzsche nhận thấy rằng, trong thực tế, kẻ mạnh rất dễ dàng trở thành kẻ yếu, và luôn luôn có khuynh hướng trở thành kẻ yếu. Kẻ mạnh không những bị đe dọa bởi số đông kẻ yếu, mà còn bị đe dọa bởi sự yếu đuối nằm trong chính bản thân nó, và chủ yếu là bị đe dọa bởi sự yếu đuối của chính nó. Deleuze giải thích: “Cần bảo vệ những kẻ mạnh chống lại những kẻ yếu, nhưng ta biết tính chất vô vọng của công việc này. Kẻ mạnh có thể chống lại kẻ yếu, nhưng không chống được việc trở thành kẻ yếu[2], cái kẻ chính là anh ta”[3]. Vì thế mà cộng đồng phải có ý thức bảo vệ kẻ mạnh, và mỗi cá nhân phải có ý thức bảo vệ sức mạnh trong con người mình, chống lại sự yếu đuối của chính mình.

Dưới đây là một vài suy nghĩ vụn vặt xung quanh sự biến mất của sức mạnh.

Khi nào thì phản ứng tự vệ đồng nghĩa với sự biến mất của sức mạnh ?

Để tự vệ, người ta thường trách móc, lên án, đổ lỗi cho người khác. Việc buộc cho người khác có lỗi tạo cảm giác an toàn, yên tâm, và tránh được mọi trách nhiệm. “Nếu tôi có làm điều này hay điều nọ thì không phải lỗi của tôi, mà là lỗi của kẻ kia, chính hắn bắt tôi phải làm như vậy”.

Một kẻ mạnh tự tấn công thay vì, hay trước khi, tấn công người khác. Kẻ đó cố gắng đi đến tận cùng các ngóc ngách sâu khuất nhất của nội tâm, của bản thể, của hành động, để xem hắn đã nhầm lẫn ở đâu, sai ở đâu, để xem những hậu quả tai hại nào có thể xẩy ra do hành động của hắn. Do đó, hắn thấy tự mình phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, tự mình phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, không đổ lỗi cho ai khác.

Kẻ yếu từ chối đi vào chính mình, có lẽ vì hắn không đủ sức mạnh để chịu đựng cái sự thật mà hắn sợ là sẽ khám phá ra. Trong trường hợp bị buộc phải đi vào đó, hắn sẽ cố tìm ra những “sự thật” khiến hắn cảm thấy dễ chịu, những “sự thật” bảo vệ cái hình ảnh mà hắn muốn chứ không phải là hình ảnh thực sự của hắn. Thế nên đó là một “sự thật” đáng ngờ, hoặc đúng hơn, đó không phải là sự thật, mà là một sự giả dối được dùng làm sự thật, cái mà Sartre gọi là “ngụy tín” (mauvaise foi). Lâu dần hắn tin rằng cái hình ảnh mà hắn muốn tạo ra cho hắn, cũng có khi để trình diện trước người khác, là hình ảnh đích thực của hắn. Và hắn yên tâm với hình ảnh “đích thực” ấy, quên mất rằng đó chỉ là cái mà hắn “muốn” chứ không phải cái mà hắn “là”. Rồi hắn dùng cái mà hắn muốn này như một tấm lá chắn để trách móc người khác mỗi khi hắn bị tấn công, hoặc cảm thấy bị tấn công. Vì trên thực tế đôi khi chẳng ai định tấn công hắn cả. Trong sâu thẳm, sự yếu đuối chính là ở chỗ hắn luôn lo sợ bị kẻ khác tấn công. Kể cả khi kẻ khác làm những việc chẳng liên quan gì đến hắn hoặc có những niềm đam mê chẳng liên quan gì đến hắn, hắn cũng tìm thấy trong những việc ấy, trong những niềm đam mê ấy một sự tấn công dành cho hắn.

Phản ứng tấn công cũng có thể là sự biến mất của sức mạnh

Để trấn áp nỗi lo sợ và sự yếu đuối, kẻ yếu thường tấn công trước. Và tấn công bất chấp những chuẩn mực chung về đạo lý, bất chấp những nền tảng nhân đạo mà nhân loại đã đổ bao xương máu, tốn bao công lao suy tư, tìm tòi, thử sai để xây dựng nên.

Phản ứng tấn công của kẻ yếu có nhiều biểu hiện:

Im lặng khi cần nói ở những nơi cần phải nói, trước những việc cần phải nói. Đó là sự tấn công điển hình của kẻ yếu: tấn công bằng im lặng. Một sự tấn công tưởng tượng.

Nói ở những nơi mà kẻ bị tấn công không có khả năng tự bảo vệ: cái hình thức tấn công hèn hạ này được gọi là nói sau lưng. Trong trường hợp này, tha hồ tấn công và chiến thắng là tuyệt đối, nhưng trong cái chiến thắng tuyệt đối đó, sức mạnh cũng tuyệt đối biến mất.

Buộc cho người khác cái tội mà họ không có. Trường hợp này được gọi là vu khống. Trong hành vi vu khống sức mạnh hoàn toàn tiêu tan.

Và lúc nào thì sức mạnh biến mất?

Những phiên tòa không cho bị cáo có quyền bào chữa là nơi sức mạnh biến mất một cách thảm hại.

Sức mạnh biến mất khi người ta cho phép mình làm bất cứ điều gì, vì cho rằng xung quanh toàn những kẻ ngu đần và những kẻ ngu đần ấy sẵn sàng tin vào bất cứ lời giải thích nào, dù là vô lí nhất. Sức mạnh biến mất khi người ta biết rằng xung quanh không phải là những kẻ ngu đần, nhưng rồi tìm mọi cách để biến họ thành ngu đần hay buộc họ phải tồn tại chỉ như những kẻ ngu đần. Sức mạnh biến mất, vì thực tế là sức mạnh không thể được tạo nên từ sự đần độn. Một tập thể đần độn đến mức chấp nhận tất cả mọi lời giải thích, dù chúng vô lí và lừa dối, đó sẽ không bao giờ là một tập thể mạnh được. Ở nơi sự đần độn ngự trị, kể cả những kẻ có trí tuệ cũng bắt buộc tự biến mình thành đần độn, nơi đó sức mạnh không thể tồn tại. Và cùng với sự biến mất của sức mạnh thì các giá trị cũng bị tiêu vong. Lúc đó, theo cách diễn đạt của Nietzsche, các phẩm chất cao quý bị hủy diệt và sự thấp kém đê hèn sẽ ngự trị khắp nơi.

Ở nơi nào có sự tấn công trong bóng tối, tấn công dấu mặt, nơi đó kẻ mạnh biến mất.

Ở nơi nào người vô tội bị buộc cho cái tội mà họ không có, nơi đó kẻ mạnh biến mất.

Ở nơi nào quyền lực áp chế trở thành thước đo của sức mạnh, nơi đó kẻ mạnh biến mất.

Nơi mà pháp luật trở thành công cụ cho một thiểu số đặc quyền đặc lợi, nơi đó kẻ mạnh bị diệt vong.

Nơi mà tư duy và sự trình bày công khai các kết quả của tư duy bị cấm đoán, nơi đó kẻ mạnh biến mất.

Ở một nơi như vậy, các ý nghĩa và các giá trị của cuộc sống, của việc sinh ra làm người, cũng biến mất.

Nhưng không có nơi nào mà mọi thứ đều tuyệt đối biến mất, nên các ý nghĩa và các giá trị của cuộc sống và của việc làm người tồn tại trong những nỗ lực nhằm giành lại những gì đã mất, hoặc trong những nỗ lực gìn giữ những gì có nguy cơ biến mất ấy, hoặc trong nỗ lực tạo ra các giá trị mới. Những nỗ lực như vậy nhiều khi được đẩy xa đến mức người ta chấp nhận trả giá bằng sự biến mất của chính mình. Và đó là lúc mà sức mạnh được khẳng định.

Tất cả mọi người đều có thể trở thành kẻ mạnh, nếu họ vượt qua được sự yếu đuối của mình, nếu họ biết tự chiến thắng chính mình bằng cách tự hủy diệt chính mình, nói theo tinh thần của Nietzsche. Tất cả mọi người đều có thể trở thành kẻ mạnh bằng cách tự triệt tiêu phần tồi tệ, phần yếu đuối trong con người mình. Những gì xấu xa tệ hại phải chết đi thì những gì tốt đẹp mới có thể phát triển được.

Điều khó khăn là đôi khi những gì tồi tệ lại được cho là tốt đẹp, những gì cần loại bỏ lại được bảo vệ tới cùng. Khi mà mọi thứ bị lộn ngược như vậy thì sẽ vô cùng khó khăn để trở thành kẻ mạnh.

Nguyễn Thị Từ Huy

[1] Nietzsche, Ý chí quyền lực, quyển I, mục 395.

[2] Chúng tôi nhấn mạnh -NTTH

[3] Gilles Deleuze, Nietzsche và triết học, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri Thức, 2010, tr. 237.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ktsminhhaidn@gmail.com