Andrew Graham
Lời người dịch:
Bài dịch này trích từ một tác phẩm được ấn hành năm 1956.
Tác giả, Andrew Graham, một Trung Tá trong đội Vệ Binh Welsh Guards, Anh, sống trong hai năm tại Đông Dương, ngay sau khi có sự từ trần của Thống Chế de Lattre de Tassigny năm 1952, trải qua thời kỳ quyết liệt của trận đánh Điện Biên Phủ, cho đến khi có sự ký kết Hiệp Định Genève 1954. Sau đó ông được bổ nhiệm làm Tùy Viên Quân Sự tại Tòa Đại Sứ Anh tại Beirut.
Trong lời đề tựa cho quyển Interval in Indo-China của ông, ông Sir Robert Graves, nguyên đại sứ Anh Quốc tại Việt Nam và Sứ Thần tại Căm Bốt và Lào, có viết về tác giả như sau: “Ông Andrew Graham là một con người có một văn hóa rộng rãi, duyên dáng và cơ trí. Ông ghi lại một cách vui tươi và khôi hài các khung cảnh trong đó các sự nhận xét quân sự và chính trị được đưa ra”.
Dĩ nhiên, Andrew Graham đã viết với văn phong và từ ngữ Anglaise chính cống.
***
Việt Nam, bất luận bạn viết nó như một từ hay hai từ, không phải là tên được thốt ra một cách dễ dàng với một người nói tiếng Anh. Nó là nước lớn nhất trong ba Quốc Gia Liên Kết của Đông Dương: hai nước kia là cá Vương Quốc Căm Bốt và Lào.
Việt Nam, theo như tôi hiểu biết, được cấu thành bởi Đông Kinh (Tonkin: Bắc Kỳ)) ở phía bắc, An Nam ở miền trung, và Nam Kỳ (Cochinchina) ở miền nam. Trong các phần này, Bắc Kỳ và An Nam (Trung Kỳ) đã từng là các vùng đất bảo hộ bởi Pháp, và Nam Kỳ đã từng là thuộc đia của Pháp.
Biên giới phía bắc của Bắc Kỳ giáp ranh với Trung Hoa, thủ dô của nó là Hà Nội, xuyên qua có sông Hồng chảy theo hướng đông, băng ngang vùng châu thổ ra tới biển.
Thủ đô của An Nam là Huế, nơi trú ngụ của hoàng gia.
Thủ đô của Nam Kỳ là Sàigòn, cũng là thủ đô của toàn thể Việt Nam.
Dân chúng của Đông Kinh, An Nam và Nam Kỳ, ngoai trừ một số không đáng kể các dân tộc thiểu số, đều là người Việt Nam, một sắc dân có nguồn gốc Trung Hoa [sic]; và họ đều nói tiếng Việt, với các sự khác biệt địa phương của thổ ngữ.
Hà Nội tại Bắc Kỳ, trung tâm từ đó cuộc giao chiến quan trọng phần lớn được nhắm tới, cách xa khoảng tám trăm dậm, hay đúng hơn, dưới bốn giờ bay, từ Sàigòn. Quốc Trưởng của nước Việt Nam Độc Lập được thừa nhận bởi nhiều nước, kể cả Đại Anh Cát lợi (Great Britain) là ngài Bảo Đại, cựu Hoàng Đế An Nam; và chính phủ quốc gia, trong đó ngài bổ nhiệm Thủ Tướng, đặt nhiệm sở tại Sàigòn.
Hai năm bận rộn trải qua phần lớn trong các tình trạng bán giới nghiêm tại khu dành cho người Âu Châu ở thủ đô, và phần ít hơn tại các thị trấn khác, cho phép tôi có rất it thẩm quyền để nói về người dân của một quốc gia. Đại đa số họ sống và làm việc tại vùng thôn quê, trên các cánh đồng trồng lúa; và những người này tôi chỉ trông thấy từ chỗ ngồi xóc lên xóc xuống của một chiếc xe jeep, lái dọc theo các lộ chính, có hay không có hộ tống.
Song không thể nào sau khi sống trong hai năm bao quanh bởi một sắc dân mỹ miều và khá cá biệt mà lại không tạo ra một vài ấn tượng, dù hời hợt đi nữa.
Trước hết, giống như bất kỳ du khách nào khác, tất cả mọi điều mà một người có thể làm được là nhìn vào dân chúng và xem xét họ y như họ xuất hiên; và hình ảnh đầu tiên của sắc dân này là nhỏ bé về thể chất: trong thực tế, quá mảnh khảnh đến nỗi các trẻ em, ở bất kỳ trường hợp nào, trông giống như thể chúng từ ở tủ trưng bày đồ chơi hơn là trong đời thực.
Kế đó xuất hiện chắc chắn là góc cạnh mỹ lệ nổi bật nhất của dân Việt Nam sống ở thành thị -- y phục dân tộc của mọi phụ nữ, trừ kẻ nghèo nhất.
Quần áo truyền thống của người phụ nữ đã ngừng tiến hóa khi đến đỉnh cao nhất. Nó vừa đơn giản và thích hợp. Nó không thể nào hay hơn và tôi hy vọng nó sẽ đừng bao giờ thay đổi.
Nó bao gồm các chiếc quân lụa trắng hay đen rộng, chấm đất, và chiếc áo ôm sát người màu đen, trắng, hay thông thường hơn, với màu sắc tươi sáng hay theo mẫu vẽ. Cổ áo cao, tay áo dài trên cánh tay mảnh mai, được sẻ mỗi bên ngay trên hông xuống tới viền cuối áo, nằm gần sát đầu gối, và tà áo được buông xuôi, không có dây thắt lưng.
Các phụ nữ có các khuôn mặt trái xoan với các đường nét nhỏ nhắn và mái tóc đen tuyền. Bàn tay của họ thì thon và nhỏ. Gần như mọi người trong họ đều mảnh mai – mặc dù các chiếc áo ngực bằng nhựa quá lạc-quan đang bắt đầu được mang. Họ đứng thẳng người một cách ngay ngắn và đi đứng thanh nhã, và chắc chắn trông họ thật tuyệt diệu. Trong thực tế, như một mỹ thuật phẩm (objects d’art, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] đến nay họ là vật phẩm đẹp nhất tại Việt Nam.
Kế đến là các trẻ em. Sự lôi cuốn của trẻ em ở bất cứ nơi nào là điều khá hiển nhiên; nhưng các thiếu nhi Việt Nam, con cháu của một sắc dân vốn sẵn nhỏ bé, theo kinh nghiệm của tôi, là một đối tượng khá đặc biệt.
Tôi thường gặp chúng, phất phơ dọc hè phố giữa ánh sáng ban ngày chói chang trong bộ quần áo ngủ kẻ sọc, hoặc với nón nỉ tự nở bung ra, rộng vành, lớn bằng chiều cao của chúng, hay với chiếc mũ nài ngựa một phần tư là lụa, có lưỡi trai dài, thò ra trên bản mặt xanh xao, rất nhỏ của chúng. Ngay các bé gái ba hay bốn tuổi đôi khi mặc trang phục cổ truyền dân tộc mà tôi đã mô tả ở trên, trông rất duyên dáng trong bộ quần áo đó. Tôi hằng mong muốn biết bao để mang vài đứa bé về nuôi trong nhà, nhưng chưa bao giờ biết làm thế nào để khởi sự việc đó.
Đàn ông nhỏ con, và khi còn trẻ, đa số trong họ cực kỳ mảnh khảnh đến nỗi mút cuối các sợi dây thắt lưng của người Âu Châu mà họ mang phải quấn quanh eo một lần nữa, mới chấm dứt ở phía sau. Hơn thế, sự trẻ trung, trong diện mạo, kéo dài rất lâu đối với các người đàn ông không phải cạo râu, đến nỗi thường kẻ tuổi bốn mươi trông giống như các cậu bé học sinh trường công lập.
Ngoại trừ tầng lớp phu cu-li, các đàn ông thành thị mặc quần áo kiểu tây phương, và nói chung, họ -- trong bất kỳ trường hợp nào tại miền Nam – không tạo ra một ấn tượng của nam tính bạo dạn.
Xe cộ của họ được làm theo kích thước tỷ lệ. Giờ đây, nhiều người trong họ có xe gắn máy bánh nhỏ (scooters) (với một người vợ và một hay hai đứa nhỏ trên yên sau), và có các chiếc tắc-xi nhỏ xíu trông như thể nó đựoc lái bằng các lo-xo gắn vào đồ chơi. Khi các chiếc xe lật ngửa, điều xảy ra khá thường trong sự lưu thông của Sàigòn, máy móc dường như tiếp tục rú ầm lên, y như trên sàn nhà lớp mầu giáo vậy.
Nhưng các xe cộ cổ truyền là xe ngựa kéo. Các xe này thật nhỏ bé và trông mong manh đến nỗi người Pháp gọi chúng là các hộp diêm (boites d’allumettes). Bảy hay tám người Việt Nam chen sát vào nhau một cách lộn xộn dưới cái mái uốn cong, các chiếc giỏ, thúng được quàng bên hông và dưới gầm xe, và đãng trước một con lừa giống như một con lừa vùng đảp Shetland mập mạp, phi tới trước, cùng với một chùm lông gà cao một bô Anh (foot-high) dựng giữa hai cái tai và một lục lạc trên dây cương.
Như thế đã quá nhiều cho một ấn tượng nhìn thấy lúc ban đầu, bị hạn chế.
Đào sâu dưới bề mặt, và cố gắng tìm kiếm những gì mà các người này – các kẻ trông thật hấp dẫn – suy nghĩ đến, là việc khó hơn nhiều.
Nhìn lùi về quá khứ, xấp xỉ một trăm năm trước đây, trước khi người Pháp dười triều Louis Napoléon đến Đông Dương như các người bảo hộ hay thực dân, đã có, như tôi hiểu, hai tầng lớp chính dưới vị hoàng đế: các quan lại, các kẻ trở thành quan nhờ trúng tuyển các kỳ khảo thí và hẳn đã phải tạo thành một giới quý tộc trí thức; và giới nông dân. Kể từ khi đó, với sự xây dựng các thị trấn lớn, một tầng lớp trung lưu đã khởi sinh và đang nảy sinh.
Sẽ không thích hợp cho tôi để viết về giới thượng lưu tinh hoa [élite, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch], các người theo một ý nghĩa là các quan chức ngày nay, các kẻ mà tôi có đặc quyền gặp gỡ một cách chính thức. Họ phần lớn được học tập tại Pháp, và hiện nay tạo thành một phần quan trọng nhưng rất nhỏ trong dân số.
Tôi có các kỷ niệm không chính thức vui thích nhất về họ: về một người trong họ mà tôi thường trao đổi sách về hoa và cây cối, lãnh vực mà ông ta là một nhà thông thái và tôi là một tay mơ tài tử; một người khác là kẻ, nhìn thấy tôi đổ mồ hôi tại một vài cuộc lễ chính thức trong binh phục với đai thắt lưng Sam Brown và một thanh kiếm, đã gửi cho tôi hai chiếc quạt – một chiếc quạt màu đỏ tía để dùng với thường phục, và một chiếc quạt nhỏ hơn màu vàng đục (khaki) dán trên gỗ đàn hương để dùng vói đồng phục.
Nhưng bởi vì đã chỉ có rất ít các quan chức và hàng triệu nông dân, xác xuất là phần lớn dân thành thị mới chỉ rời bỏ, trong một hay hai thế hệ, khỏi nền đất đông đúc của các cánh đồng lúa; và chắc chắn trong sự sinh sôi nảy nở của họ, sự vui vẻ, sự đơn giản, ưa thích các màu sáng, và đến một tầm mức nào đó, sự mê tín (hay có thể sự cả tin ngoan ngoãn), họ xem ra mang nhiều nét nông dân hơn là trưởng giả thành thị (bourgeois).
Có nhiều tính chất bẩm sinh và cổ truyền có khuynh hướng che tầm mắt nhìn lúc thoạt đầu.
Như tại mọi xứ sở phương Đông, tầm quan trong gắn liền với “thể diện” là điều gì đó cần được ghi nhớ thường trực trong đầu, và để nêu lên chỉ một trong các trở ngại khác, tại Việt Nam, có một khối lượng lớn lao các điều mê tín, khó chấp nhận được bởi một người Âu Châu đứng tuổi hay người thừa hưởng một truyền thống Cơ Đốc giáo.
Hãy xét vấn đề “thể diện” trước tiên. Không muốn mất mặt bởi việc thừa nhận rằng mình đã không hiểu hay không có câu trả lời, một người Việt Nam hầu như luôn luôn trả lời “Vâng: Yes” cho bất kỳ câu hỏi nào.
Cuộc sống phức tạp này, và thường khiến một người nói điều mà chúng ta (trong cách nói tây Phương đơn giản của mình) sẽ gọi là một lời nói dối.
Nhằm biểu lộ mình sự oai vệ của mình ra sao, kẻ đang lái chiếc xe Anh Quốc tinh khôn của bạn, người lái xe của bạn sẽ ép một chiếc xe ngựa quá tải nép vào bên lề đường, chặn ngang trước mặt nó và đạp thắng thật gắt, khiến cho con ngựa phải lùi lại để kìm đứng yên bằng cả phần hông bụng của nó, trông xấu xí hay không đáng thương, tùy theo cách bạn nhìn nó; và có cả hàng ngàn cách làm phách như thế.
Một số mê tín nguy hại hơn đã bị tan biến trước các nhà truyền giáo, nhưng số người theo đạo Chúa hãy còn nhỏ so với tổng số dân chúng; và đối với phần còn lại, giống như các thanh niên tại Dijon, chỉ có rất ít tính tôn giáo trong họ [“le jeune homme de Dijon, ils ont très peu de religion”, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch]. Có một sự thờ cúng tổ tiên rộng rãi, có liên hệ nhiều đến ma quỷ và một khuynh hướng nghiêng về các tôn giáo khác thường.
Sự thờ cúng tổ tiên tự nó biểu lộ trong nhiều cách khác nhau. Trước tiên, có một sự tôn kính dành cho người lớn tuổi.
Thí dụ, thật là vô ích lấy làm một đề tài tuyên truyền trên một tấm bích chương trình bày một người đàn ông râu xám như một kẻ hung ác. Để khơi dậy bất kỳ cảm nghĩ nào chống lại ông ta, kẻ đó sẽ phải được khóac cho một vẻ ngụy tạo của tuổi trẻ, bằng cách vẽ râu ông ta màu đen.
Thứ nhì, các bàn thờ gia đình trong các nhà, với hình ảnh người cha cùng với một hay hai bà mẹ của người chủ hộ, các nén hương, nến, và đồ cúng hoa quả đúng ngày giờ.
Thứ ba, có một sự ưu tư về việc sinh con nói chung, đặc biệt là các con trai. Điều này nói cho cùng cũng hợp lý thôi. Nếu bạn kỳ vọng sẽ được thờ phụng, bạn có thể cũng muốn có càng nhiều người thờ phụng càng tốt và các con gái sinh dưỡng các kẻ thờ cúng tổ tiên người chồng của chúng. (Các đứa con trai kiếm tiền công cũng còn là một sự đầu tư tốt cho tuổi già).
Một hậu quả kỳ quặc của ước muốn có con trai này là các cha mẹ đôi khi sẽ mặc quần áo cho đứa con gái như con trai để “giữ sĩ diện” với hàng xóm. (Và thật là một ngày trọng đại biết bao cho nhà phân tâm học Freud để phân loại các mặc cảm của đứa trẻ sau này).
Người Việt Nam không nói “kết hôn: marrying”; chữ dùng của họ là “lập gia đình: founding a family”.
Một trong những thí dụ cổ xưa nhất của sự lo sợ các ma quỷ là thói quen của người Việt Nam chơi trò “kẻ cuối cùng bước qua đường`” cho mãi đến lúc lớn tuổi hơn nhiều trong cuộc đời so với chúng ta thường làm ở Tây phương. Một chiếc xe đâm hụt một người sè, với bất kỳ sự may mắn nào, đánh vào hồn ma cá nhân anh ta, đi theo ngay sau lưng anh ấy, một cú đánh từ đó sẽ phải mất một lúc mới hoàn hồn.
Về các tôn giáo khác thường, nổi bật nhất là đạo Cao Đài, một mớ hổ lốn vô nghìa lý của các mảnh vụn trong các tín ngưỡng cổ xưa, được khởi lập trong năm 1926 bởi một nhóm nhân viên Việt Nam tại Sở Quan Thuế, các kẻ lập bàn cầu cơ trong những buổi tối nhàn rỗi của họ. Giờ đây, nó có hơn một triệu tín đồ, một thánh thất huyền ảo sơn màu lộng lẫy, một giáo chủ, và một giáo hội nhiều giáo phẩm cao cấp, gồm cả đàn ông lẫn đàn bà.
Thỉnh thoảng, Victor Hugo [văn sĩ Pháp hồi thế kỷ thứ 19, có tác phẩm văn chương nổi tiếng nhan đề Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà, chú của người dịch], một trong các nhà tiên tri của đạo này, “hiện về” và tuyên đọc một thông điệp xuyên qua một trung gian đồng bóng, bằng thơ tiếng Pháp tệ hơn nhiều so với những gì ông từng viết ra trong quãng sinh thời của ông.
Các thày bói đầy dẫy, và một chuỗi cả tá ông già, kiếm sống bằng nghề đó, ngồi trên vệ đường của một trong các đại lộ. Đêm tối đổ xuống, họ vẫn còn ngồi ở đó, mỗi người với một ngọn nến trống trải được thắp bên cạnh mình.
Những gì có thể đang diễn ra trong các chiếc đầu già cả xấu xa của họ?
Các mối bận tâm kỳ lạ này, và các chân trời nói chung rất hạn chê trong đời sống của họ, khiến cho tình bạn với ngay cả người Việt Nam nói tiếng Pháp trở nên khó khăn; và khi bạn đi ra ngoài tầm của những kẻ nói tiếng Pháp đó, hàng rào ngôn ngữ của họ hạ xuống như một cổng thành bằng lưới ssắt, và phần còn lại là một sự đoán mò. Đó là điều tất nhiên, tôi giả thử, rằng các chân trời của họ bị giới hạn rất nhiều, và các sự hạn chế di chuyển trong một cuộc nội chiến còn thu hẹp chúng hơn nữa.
Chính họ đôi khi sẽ nói, không phải là không có sự hợm mình: “À, không. Chúng tôi không giống các ông. Chúng tôi không đi du lịch thế giới. Chúng tôi tập trung vào đời sống thân mật của gia đình”.
Điều này khiến ta nghĩ rằng đời sống gia đình của họ là cái gì đó độc đặc và đáng để ý, cần được nghiên cứu và bắt chước: nhưng tôi nghi ngờ việc đó. Cũng thế, về mặt lý luận, bạn không rời xa gia đình của bạn, bạn sẽ không đi đến một nơi nào khác. Nhưng có thể họ không muốn làm như thế thật.
Về mặt không gian, họ có quá nhiều đầu óc địa phương đến nỗi một người được xem là du lịch nhiều nếu kẻ ấy đi từ Nam Kỳ ra Trung Kỳ; và một cây được mang từ cao nguyên, cách xa hai trăm dặm, được xem là một giống cây xứ lạ tại Nam Kỳ.
Về mặt thời gian, các cung điện Hoàng Gia của họ, được xây khi Nữ Hoàng Victoria trị vì tại Anh Quốc, là các thắng tích cổ xưa của họ, và họ sẽ chỉ cho bạn với sự hãnh diện một đồ đạc cổ mới chỉ gần năm mươi năm.
Một cách minh bạch, không có cái gì xấu xa về sự nhỏ nhắn này [petitesse, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch]; nhưng tôi nghĩ đó là một sự phản chiếu hướng nội trong ấn tượng đầu tiên của người ta về một dân tộc nhỏ con.
Các tật xấu chính của họ là cờ bạc, một sự kiện rất phổ biến, và hút thuốc phiện.
Tôi có thể nói thẳng ra rằng tôi là dân [mang tính chất] xa tít miền Bắc Bán Cầu và theo đạo Tin Lành để có thể đánh bạc. Đó là một thú vui, một cách hòan toàn đơn giản, mà tôi không sẵn lòng để chi tiền. Tại Việt Nam, cờ bạc có tổ chức trên một quy mô khổng lồ, tại một cơ sở được gọi là “Đại Thế Giới: Grand Monde” trong Chợ Lớn, thành phố Hoa Kiều chị em với Sàigòn. Đây là địa điểm đánh bạc lớn nhất ở Viễn Đông, nếu không phải trên thế giới. Đàn ông đi một bên lối vào, đàn bà đi lối kia, và khi bạn bước vào trong ban đứng yên trong khi một người nào khác rà xét trên quần áo bạn xem liệu bạn có mang vũ khí gì không. Một khi bạn đã vào bên trong Đại Thế Giới, quang cảnh đầu tiên là nhiều chiếc bàn lớn, chung quanh chúng là hàng trăm, nếu không phải cả ngàn người “thuộc các nhóm lợi tức thấp” đang ăn thua tiền bạc. Đèn không mấy sáng sủa, mái nhà thủng lỗ, và nền nhà lấm bùn. Bạn có thể bước quanh đó trong chốc lát, bởi nó rộng đến nỗi bạn gần như quên rằng bạn đang trong tòa nhà. Từ khu vực này, bạn có thể đi sang các phòng thắp đèn sáng hơn, mỗi phòng gồm hai hay ba chiếc bàn, nơi vốn chơi cao hơn. Từ đó sang các phòng khác nữa, khá sạch sẽ, với quạt trần và đèn thắp sáng, nơi giới giàu có đang chơi các môn baccarat [kiểu bài cào, trong đó 10 nút kể như bù, tức số không, chú của người dịch], đường xe lửa [chemin de fer, tiếng Pháp trong nguyên bản, không rõ là môn chơi gì, chú của người dịch] và roulette (đánh số quay); kế đó vào các phòng dành cho giới cực giàu, và sau cùng, các buồng riêng dành riêng, tôi giả thiết, cho các nhà triệu phú.
Các ghi nhớ của chính tôi về địa điểm này thì ít và như cơn ác mộng; của việc nhìn thấy các kẻ bị thôi mien mất tiền lúc hai giờ sáng, việc uống rượu mạnh Whisky xứ Scotch hiệu Beefeater sản xuất tại Amsterdam, Hòa Lan; về các kẻ thu và trả tiền [croupiers, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] người Trung Hoa, với các bộ mặt vô cảm trắng bệch như thể họ sống dưới hầm sâu, cất giọng ngân nga các số trúng theo một điệu hát hò, và vơ lấy các đồng tiền bị thua bởi các bạn đồng hành của tôi.
Cờ bạc trong bất kỳ trường hợp nào được khuyến khích một cách bán chính thức, và số thu về thuế mà nó mang lại cho nhà nước thì khổng lồ.
Tôi chỉ biết về thuốc phiện qua lời đồn. Một số người Âu châu có hút thuốc phiện, nhưng tôi biết rằng cá nhân mình có đủ các thói quen tốn kém mà không cần theo đòi thứ nào khác. Cảm tưởng của tôi rằng nhiều người Anh nhìn thuốc phiện xuyên qua làn hơi mờ ảo của De Quincey và Dorian [nhân vật trong tiểu thuyết Anh, chú của người dịch], không khác gì họ nhìn Cuộc Cách Mạng Pháp xuyên qua đôi mắt của Nữ Nam Tước Orczy và Ngài Sir Percy Blakeney.
Như tôi hiểu, hút thuốc phiện gần tương ứng với ý tưởng thồng thường trong Anh ngữ về việc uống rượu mạnh. Đối với những ai có thể đãi thọ được, khoái lạc thì đáng kể và sự tổn hại thì nhẹ nhàng. Sự thái quá, chứng tật mà người Âu Châu được nói dễ mắc hơn người đồng phương, đều đáng than trách dù đối với sản phẩm này hay thức uống kia. Một cách thành thực, tôi không biết đâu là những ảnh hưởng của việc hút thuốc phiện, vì thế tôi không thể nói là liệu mình đã nhìn thấy chúng hay không.
Các ảnh hưởng của cờ bạc dễ được nhận thấy với thường lệ lớn lao vào khoảng ngày mười lăm mỗi tháng, khi người tài xế của tôi hỏi xin ứng tiền lương cho tháng tới. Tôi không nghĩ các con của anh ta thực sự có thể mắc bệnh thê thảm thường xuyên đến thế và với một sự đều đặn máy móc như đồng hồ đến thế.
Như thế, đó là một vài khía cạnh của dân Việt Nam ở thành phố, bỏ ra ngoài hoàn toàn tầng lớp tinh hoa (élite) ở thượng tầng, và chỉ đến mức mà kiến thức về Pháp ngữ cho phép.
Sau mức đó, một kiến thức về ngôn ngữ Việt Nam sẽ cần đến, và không thể lĩnh hội một cách mau lẹ. Tôi biết như thế, bởi tôi đã thử học và bị thất bại.
Ngôn ngữ Việt Nam được ký âm từ văn tự Trung Hoa [sic] bằng mẫu tự La Mã bởi một giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha. Nó chỉ bao gồm các từ độc âm, và, để khắc phục giới hạn này, cần dùng đến cả kho vũ khí của các dấu nhấn giọng, dấu bên dưới, các dấu móc nhỏ đi kèm các mẫu tự và các dấu gạch ngang xuyên qua mẫu tự.
Mỗi từ phải được nói theo đúng âm sắc, gồm có năm âm độ. Rất ít sách vở được viết về ngôn ngữ đó, và nó là một phương tiện diễn đạt tương đối bị hạn chế. May mắn thay (có lẽ) môt ngôn ngữ thứ ba hiện hữu, được gọi là “Da Đen nhỏ bé: Petit Nègre” và là điều mà chúng ta nên gọi là tiếng Pháp bồi (pidgin French).
Đó là một ngôn ngữ làm tôi chấn động một cách sâu xa. Bởi gần cả cuộc đời mình, tôi kính trọng Pháp ngữ. Tôi đã lắng nghe nó, yêu nó, đọc nó, học nó và cũng khổ công để nói nó nữa.
lẩm bẩm ngôn ngữ của Racine [một tác giả có nhiều tác phẩm nổi tiếng của Pháp, chú của người dịch] với giống (genders) sai và cách đặt câu không thể có rất gần với sự báng bổ thần thánh.
Tôi sẽ chỉ trích dẫn hai thí dụ: một vì tính chất huyền bí của nó, thí dụ kia bởi vì nó thu tóm quá nhiều cuộc sống cho một người Âu Châu tại Đông Dương.
Thí dụ thứ nhất xảy ra trong những ngày sớm nhất của tôi tại Sàigòn. Tôi thu nhận người đầy tớ của kẻ tiền nhiệm của tôi, là tất cả những gì anh ta có thể nói là loại tiếng bồi đáng than vãn này.
Một hôm anh ta dẫn tôi ra ngoài bao lơn của ngôi nhà của tôi, chỉ về hướng xa xăm, nói: “Ma tante cassée en Vietnam”. Tante có thể là tente. Bởi thế có nghĩa là người cô hay cái lều. Cassée (hay bị vỡ, bể) trong tiếng Pháp bồi, thường có thể có nghĩa mọi thứ, từ chết hay bị xúc phẩm thân thể đến làm sứt mẻ một tách uống trà. Cassée (bị bể, bị đập phá) và cachée (dấu, ẩn tránh) phát âm rất giống nhau.
Vì thế, anh ta đã nói rằng cô của anh ta hay chiếc lều của anh ta hoặc bị đập phá hay ấn dấu nơi đâu đó tại xứ sở mà chúng tôi đang sinh sống.
Tôi đã cố làm một vài sự thay chữ khả dĩ nhất.
“Ồ anh bồi đáng thương của tôi”, tôi nói, “bà cô của anh đích thực ấn trốn nơi đâu?
“Cassée”, anh ta trả lời (hay có thể là “Cachée) “en Vietnam”, và anh ta chỉ lên trần nhà.
Tôi đã có tưởng kiến ngắn ngủi về một bà già xấu xí, một kẻ trốn chạy công lý, nằm trốn giữa các rui mái nhà; nhưng xem ra không phải như thế.
Mặt khác, nếu cô anh ta bị hãm hiếp, tôi đâu dính líu gì vào việc đó đâu.
Lại nữa, tại sao anh ta phải có một chiếc lều? Anh ta đã có các căn buồng chắc chắn dành riêng cho anh ta trong ngôi nhà của tôi. Nếu anh ta làm hư chiếc lều của mình, anh ta chắc chắn có thể vá sửa nó lại; và nếu anh ta đem dấu nó đi, tại sao anh ta lại nói với tôi?
Một người bạn Pháp hiểu biết nói với tôi rằng anh ta có thể cố nói: “Bà cô tôi bị chết trong trận bão gần đây và tôi sẽ biết ơn nếu mượn được một số tiền làm tang lễ cho cô tôi”. Nhưng tôi sẽ không bao giờ được biết chắc chắn là gì.
Một thí dụ khác lối thí tốt trong cuộc cờ đối thoại Việt Nam nổi tiếng, “Oui, c’est-à-dire Non: Có, tức là Không”.
Cuộc cờ diễn tiến như sau đây:
Bạn gọi điện thoại và nói: “Est-ce que Madame est à la maison: Thế bà có ở nhà không?”
Cậu bồi người Việt trong nhà trả lời: “Oui, Monsieur. Elle est sortie: Vâng, thưa Ông. Bà Chủ đi ra ngoài”.
Còn có gì để bạn chơi tiếp cuộc cờ./-
.
Nguồn: Andrew Graham, Interval In Indo-China, London, Macmillan & Co. Ltd – New York: St. Martin‘s Press, 1956, các trang 24-38.
Ngô Bắc dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
ktsminhhaidn@gmail.com