Chứng kiến bao nỗi thăng trầm của người dân đất ngàn năm văn vật. Cứ sáng sớm hằng ngày, ngày nắng cũng như ngày mưa, tiếng kẽo kẹt đè nặng trên đôi vai người phụ nữ những rau, những quả từ phía Gia Lâm rảo bước vào nội thành phố cổ Hà Nội...
Đặt viên đá đầu tiên vào ngày 13/9/1989, ngày ấy nhiều người cho rằng đấy là ý tưởng điên rồ: “Một con sông rộng như eo biển, sâu đến 20m nước, mùa mưa lũ nước còn dâng cao hơn 8m làm vỡ cả đê điều. Lòng sông lại luôn chuyển đổi bên lở bên bồi thì làm sao chế ngự nổi để bắc được cây cầu trên mặt nước hung dữ bất kham!?”
Phương án thiết kế của Gustave Eiffel (cũng là người thiết kế xây tháp Eiffel nổi tiếng). Cầu được thiết kế theo kiểu dáng của cầu Tolbiac ở quận 13, Paris trên tuyến đường sắt Paris - Orléans, Pháp
Cầu Long Biên năm 1902.
Ngày 28/2/1902 Cầu được khánh thành, ví như "tháp Eiffel nằm ngang" của Hà Nội.
... Chợt nhớ lại chuyện kể của nhà văn Bảo Ninh năm 69... thật xúc động! Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng luôn có một cảm giác khó tả... xin chép ra đây:
"...Lúc đó khoảng bảy giờ sáng, xe chúng tôi đang trên cầu Long Biên. Cả hai chiều của cây cầu độc đạo qua sông Hồng đều đông nghịt, chen chúc người và xe, chuyển động chầm chậm từng bước chân, từng vòng bánh. Không tiếng còi xe hơi, không tiếng chuông xe đạp, không một tiếng nói tiếng cười, không cả những tiếng chân bước mặc dù dòng người vẫn đang không ngừng chuyển động.
Mặt ướt nước mưa và đang mắt nhắm mắt mở nhưng chỉ trong chốc lát tôi đã nhận ra mọi người, tất cả, hàng ngàn con người, trên suốt dọc chiều dài gần hai cây số của cây cầu ngang qua luồng nước xiết đều đang vừa đi vừa khóc, đúng hơn là lặng khóc, khóc không thành tiếng.
Bởi vì im ắng vô cùng. Người đi bộ dọc hai bên lan can cầu, đi tay không hoặc đang gồng gánh, người đang đạp xe, người đang dắt xe, những người đang đứng trên các thùng xe tải, người ngồi trong các xe chở khách. Những anh bộ đội. Những người dân phố. Những người dân quê. Bước đi và khóc, trong mưa.
Tám đứa chúng tôi trên thùng xe và cả anh tài xế trong cabin đều là những kẻ từ trên trời rơi xuống. Cả tuần liền bám trụ đê, lội bùn đội đất, ngơi tay là lăn ra ngủ, chúng tôi bị mưa lũ cô lập với thế gian. Vậy nhưng chỉ giây lát thôi, nhìn nỗi thương đau nhất loạt cùng lúc của cả một dòng người đông nghịt đang nghẹn ngào bước đi trong mưa, chúng tôi hiểu ngay ra sự thể.
“Bác Hồ...”. Một ai đó trong chúng tôi thảng thốt thì thào, ngập ngừng. Không dám chắc chắn điều mình nghĩ, nhưng chúng tôi đều đã cảm nhận chắc chắn điều đó. Bởi vì đối với chúng tôi, ngay cả trong thời kỳ rất nhiều đau thương ấy thì một nỗi đau lớn lao, nặng nề, sâu thẳm và muôn người như một đến nhường ấy chỉ có thể là do một duyên cớ duy nhất ở trên đời mà thôi.
Đúng lúc đó, một đầu tàu xe lửa không kéo theo toa, một mình chạy không tải qua cầu, từ Hà Nội sang Gia Lâm, khi ngang qua chỗ chúng tôi đã bất thần rúc còi. Có thể nói đầu tàu ấy cất tiếng than. Không phải về sau mường tượng lại mà tôi nói thế, mà thật sự là như thế, đấy là tiếng kêu, như của con người. Lập tức, một chiếc tàu kéo neo đậu đâu đó ở mạn Phà Đen cũng cất lên tiếng còi. Rồi từ phía ga Gia Lâm, nhiều đầu xe lửa khác đồng loạt cất tiếng. Những tiếng còi tàu đớn đau khản đặc vang vọng trong màn mưa.
Phía dưới, bên chiếc xe chở chúng tôi, một phụ nữ đang dắt xe đạp bỗng bật khóc thành tiếng. Cả ngàn người không thể cầm lòng đã không cầm được nước mắt. Tiếng nức nở truyền dọc đoàn người, lan đi trên cầu, ngang qua triền sông...".
Cả một dân tộc tiễn Người đi xa....
Những năm máy bay Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc bằng B52, hàng tấn bom đạn đã nhằm vào chiếc cầu này phá huỷ huyết mạch giao thông gần như độc đạo, bốn trụ vỡ toác, ba nhịp bị chém đứt...
Qua bao thăng trầm nó vẫn là một biểu tượng, một nơi chốn tìm về, một thời thơ ấu... của người dân xứ Hà thành. Còn đối với tôi, Nó thật lãng mạn và cũng rất oai hùng khi soi bóng bên dòng Sông Hồng đỏ nặng phù sa...
Sau phiên chợ về với Gia Lâm...
Từ dưới bãi bồi nhìn lên, cầu như mạng lưới đăng ten giăng mắc trên vòm trời.
Những múi mít thơm bên cầu
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Chẳng thanh lịch cũng là người Tràng An (Ca dao)
"Tà áo chỉ là vải thường nhưng phẳng phiu, gọn ghẽ, kín đáo, nhất là sạch sẽ. Ra đường, nét tề chỉnh là đặc trưng cho phụ nữ Hà Nội. Sang mà không loè loẹt, đẹp mà không lố lăng.
Chỉ phớt qua một chút phấn, phủ một lớp son mờ, kín đáo một giọt nước hoa nơi bàn tay, trong khăn mùi xoa hoặc dưới mang tai, có món tóc mềm phủ lên, để chỉ đủ thoảng nhẹ như một hương nhài thơm xa, đủ khiêu khích một cách mơ hồ chứ không quá nồng quá hắc..."
Con gái Hà Nội đẹp dịu dàng
Tóc đưa hương sữa mỗi mùa sang...
Thời gian không đủ dài, kiến thức chưa đủ sâu ... để cảm nhận hết những giá trị văn hóa của đất Kinh kỳ... chỉ nghe tiếng nói Hà Nội thôi cũng cảm nhận được sự lịch lãm, du dương và là chuẩn mực của tiếng Việt...
Rồi đâu đó mẫu chuyện cười về nói ngọng của một bộ phận cư dân Hà Nội ngày nay: ''phải lói rằng chụp ảnh khỏa thân nà nối sống trụy nạc''
sông Hồng như một cô gái mặc áo nâu sồng!
Còn đó những mảnh đời... người vợ ôm con chờ chồng mò cua bắt ốc ven sông...!!! Mái nhà cũng lênh đênh theo sông nước phận người...