Nhớ thời ở quê, hai nhà cãi nhau, đám trẻ luôn trông chờ hai lão bố. Đôi khi, một ông bố tự tin, lý luận sắc bén, cho dù sức nhỏ con hơn, thì tay hàng xóm cơ bắp vẫn nể sợ.
Trung Quốc và Việt Nam xích mích trên biển Đông, đám dân thường bắt đầu ngồi so sánh “các bậc làm cha mẹ”, và nghĩ, ngày mai đi biểu tình thì in ảnh ai để nhìn vào mà nghĩ “phe ta sẽ thắng”.
Nhìn biển người giơ ảnh ai, sẽ hiểu sức mạnh ấy có thật hay không, đến từ đâu và được ai thực sự đang dẫn đường.
Người Mỹ xuống đường ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố sẽ trương ảnh Bush hay Obama. Tổng thống tạo được nội lực và niềm tin trong dân chúng. Cuộc chiến có lúc thế này lúc thế khác, nhưng dân chúng tin tưởng vào chính quyền trong hành xử quốc tế. Lãnh đạo tài ba được thanh lọc, do dân bầu lên một cách dân chủ.
Nước Nga có Vladimir Putin, cựu KGB, gương mặt sắt lạnh, judo đai đen, tự lái máy bay phản lực đến Chesnia, được 70-80% dân Nga coi là thần tượng “gấu” Bắc Cực. Nước Nga tìm lại được hình ảnh của mình là nhờ có Putin mạnh mẽ và quyết đoán. Mỗi khi có biểu tình, ảnh Putin tràn ngập trên đường phố.
Putin lái máy bay ném bom chiến thuật Tu-160 "Pavel Taran" đến khu vực diễn tập của lực lượng không quân chiến lược tầm xa Hạm đội Bắc.
Dân Georgia có vài triệu, một nước cộng hòa bé xíu dám đương đầu với Putin, là vì họ có tổng thổng trẻ Mikheil Saakashvili. Khi cuộc cánh mạng hoa hồng nổ ra, thủ đô Tbilisi có rừng ảnh của vị lãnh đạo trẻ 40 tuổi. Sau đó, chính những người trên đường phố đưa ông lên làm tổng thống.
Tổng thống Afganistan do Mỹ dựng lên đôi lúc cũng làm chủ phiền lòng vì những ứng xử “dân tộc Afgan trên hết” của Kazai. Ông từng phản đối Mỹ vì đã xếp bàn tiếp đại diện quốc gia theo kiểu “hot seat – thẩm vấn tuyển chọn” tại Quốc hội Mỹ. Nhiều quyết định độc lập của Kazai đã làm Mỹ sửng sốt.
Singapore có Lý Quang Diệu, và bây giờ là con trai ông Lý Hiển Long, một nước nhỏ nhưng tầm vóc không “nhỏ” chút nào vì có lãnh đạo tầm vóc. Nước Nhật vừa qua thảm họa sóng thần và động đất thấy vị Thủ tướng mạnh mẽ như thế nào khi lãnh đạo hàng triệu người vượt qua thiên tai khủng khiếp.
Giả sử có biểu tình ở Bắc Kinh giữa hai phe cộng sản và dân chủ thì sẽ ra sao. Dân ủng hộ chính phủ sẽ dùng ảnh Hồ Cẩm Đào và phía đối lập sẽ dùng ảnh Dalai Latma. Cả hai xứng đáng làm thần tượng cho những người xuống đường. Hồ Cẩm Đào đưa nước Trung Hoa lên hàng siêu cường. Dalai Latma làm cho Hồ Cẩm Đào sợ vì thuyết giáo rất con người của nhà sư có thể đập tan những lý lẽ duy ý chí của Mao Trạch Đông.
Hai tuần qua có hai cuộc xuống đường của người Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh để phản đối sự gây hấn của Trung Quốc. Có lẽ do “tụ tập tự phát” nên vài người mang theo ảnh tướng Giáp đã 100 tuổi...!
Nhớ ngày 2-9-1945, quảng trường Ba Đình với hàng triệu người tham gia, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tràn ngập.
Cần xây dựng tâm thế của lãnh đạo quốc gia mạnh mẽ và quyết đoán như Putin, Hồ Cẩm Đào hay tổng thống trẻ của Georgia...
Nếu có cuộc biểu dương sức mạnh với hàng triệu người tham gia thì lấy thần tượng nào để nhìn vào đó mà tin rằng, dân tộc này sẽ thắng như họ từng tin tuyệt đối trong cuộc chiến chống quân Pháp, Nhật, Mỹ và Trung Quốc sau này (1979).
Người chuẩn bị cờ quạt, quần áo, kèn trống, khẩu hiệu ra đường tuần hành phản đối Trung Quốc, bỗng nhận ra chưa có ai “thời hiện tại” để làm hình bóng cho cuộc biểu dương tinh thần, trừ những người thuộc về lịch sử.
Phải chăng đó là khoảng cách giữa người dân và nhà lãnh đạo. Khoảng cách ấy càng gần thì ảnh càng nhiều, nếu xa thì ảnh ít...
Đất nước cần những thần tượng như Hồ Chí Minh trong cuộc giải phóng ách nô lệ thực dân, Võ Nguyên Giáp trong trận chiến Điện Biên Phủ, TBT Lê Duẩn trong cuộc xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt trong lúc chuyển giao thế hệ.
Thời hội nhập, xung đột khu vực nguy hiểm, kẻ tham dòm ngó biển đảo, hình ảnh lãnh đạo quốc gia cũng quan trọng như mấy ông bố của đám trẻ trong làng mỗi khi có chuyện cãi nhau giữa những người hàng xóm.
Nhân sĩ Hà Nội xuống đường phản đối Trung Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
ktsminhhaidn@gmail.com