Pages

Translate

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

DU LỊCH BIỂN ĐÀ NẴNG



Với hơn 50 km bờ biển nhưng Đà Nẵng đã sở hữu vô số bãi biển đẹp nổi tiếng như: Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Bắc Mỹ An, Mỹ Khê, Non Nước... và hàng loạt các bãi tắm xinh đẹp và thơ mộng quanh bán đảo Sơn Trà như: Tiên Sa, Bãi Bụt, Bãi Xếp, Bãi Nam , Bãi Bắc... nối tiếp nhau thành hai vòng cung cát trắng mịn màng. Khó có nơi nào như Đà Nẵng, ở đâu có biển là ở đó cũng có thể làm bãi tắm cho du khách. Biển là nguồn cảm hứng thiên nhiên vô tận mà Đà Nẵng may mắn có được. “Trên chặng hành trình cùng Tàu Hòa Bình (Peace Boat) xuyên đại dương vòng quanh trái đất, lần nào đặt chân đến Đà Nẵng, tôi cũng ngỡ ngàng trước vẻ tươi đẹp, sự yên bình và nhất là lòng mến khách của người dân nơi đây. Các bạn đang sở hữu những bãi biển đẹp, quyến rũ bậc nhất thế giới. Nếu có sự đầu tư khai thác một cách chuyên nghiệp, tôi tin biển Đà Nẵng sẽ trở thành ''thiên đường'' du lịch không chỉ ở Châu Á mà còn mang đẳng cấp thế giới''. Đó là nhận định của Giám đốc Tàu Hòa Bình Yoshioka Tatssuya.

Trong định hướng phát triển du lịch của Đà Nẵng, du lịch biển được xác định là sản phẩm trọng tâm và chiến lược. Rất nhiều nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, những con đường vươn dài ra biển không những kéo biển xích lại gần trung tâm thành phố mà còn tạo ra được những tuyến vành đai biển tuyệt đẹp. Đó là tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc, Liên Chiểu - Thuận Phước và nhất là cây cầu dây văng qua Sông Hàn cùng với đại lộ Phạm Văn Đồng rộng thênh thang là chiếc gạch nối các khu du lịch biển với hai bờ đông tây Sông Hàn. Đặc biệt trong thời gian đến thành phố sẽ xây dựng thêm một cây cầu Rồng nối kết từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đi thẳng ra biển Đông. Biển Đà Nẵng đang có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư, đã có 29 dự án đầu tư du lịch ven biển trong đó có 08 dự án nước ngoài và 21 dự án trong nước có tổng số vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Trong tương lai gần, Đà Nẵng sẽ hình thành một đô thị du lịch biển cao cấp với dịch vụ đa dạng, góp phần tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch.

Chọn biển để làm nền tảng phát triển du lịch, bên cạnh việc tập trung đầu tư các cơ sở lưu trú thành phố cần chú trọng xây dựng các loại hình dịch vụ du lịch, các tiện ích công cộng phục vụ cộng đồng. Trước tiên cần xây dựng bãi tắm Phạm Văn Đồng thành bãi tắm kiểu mẫu, được tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, làm mẫu để nhân rộng ra các bãi tắm khác tạo nên diện mạo mới cho biển Đà Nẵng. Tại đây sẽ trở thành thành một khu vui chơi giải trí liên hoàn với các hoạt động dưới nước và trên bờ. Trước mặt là Biển Đông bao la, phía Tây là Công viên biển nối với đại lộ Phạm Văn Đồng thênh thang, phía Bắc là Khu du lịch thể thao giải trí biển Coral Reef, phía Nam là hệ thống nhà hàng ẩm thực biển cao cấp.

Bãi tắm đêm được khoanh vùng giới hạn bởi phao phản quang, đèn tín hiệu để đảm bảo an toàn cho du khách tắm biển đêm. Khu hoạt động thể thao được lắp đặt lưới bóng chuyền, cầu môn, xà đơn, xà kép, cầu trượt.... Quy hoạch khu vực tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật: tạo hình trên cát, nghệ thuật sắp đặt, đắp tranh cát, tượng cát, ma trận cát nhằm thu hút du khách, tạo nên sự lôi cuốn và sinh động trên bãi biển trung tâm. Các khu vực kinh doanh dịch vụ cho thuê dù vải, ghế gỗ, phao tắm được chuẩn hóa về màu sắc, bạt trải ngồi có hình ảnh về biển và chứa đựng các nội dung tuyên truyền về môi trường du lịch. Khu vực kinh doanh giải khát bố trí sắp xếp văn minh lịch sự đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự.

Xây dựng trạm thông tin du lịch tại công viên biển Phạm Văn Đồng cung cấp thông tin, quảng bá về du lịch, sơ đồ tham quan, bán các loại ấn phẩm, bán tour, đặt máy tra cứu dữ liệu du lịch. Các kiốt bán hàng lưu niệm bố trí dọc theo hàng dừa, là nơi trưng bày, giới thiệu, chào bán các mặt hàng lưu niệm được làm từ nguyên vật liệu biển, hàng thủ công mỹ nghệ của địa phương. Khu vực sân khấu tổ chức các sự kiện văn hóa như dạ hội khiêu vũ, đêm thanh niên... Ngoài ra, đây còn là khu vực tổ chức câu lạc bộ tập dưỡng sinh, sinh hoạt cộng đồng. Phối hợp với các doanh nghiệp đoàn thể tổ chức cuộc thi vẽ tranh cho thiếu nhi nhằm tuyên truyền cổ động về môi trường, về biển xanh quê hương các tác phẩm này trưng bày tại công viên để thu hút sự quan tâm của du khách. Khu bán thức ăn nhanh như: bánh ngọt, Hamburger, nước giải khát lon không có cồn. Khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Khu Coffee vườn dừa cung cấp dịch vụ giải khát cho khách có nhu cầu nghỉ ngơi, ngắm biển. Xây dựng các khu vực tắm nước ngọt và bãi giữ xe đáp ứng nhu cầu tắm biển của cư dân đô thị và du khách, hoàn thiện và khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn bộ khu vực.

Hình thành vệt nhà hàng hải sản ven biển ở khu vực Mân Thái, phục vụ đối tượng khách bình dân, thực phẩm tập trung các loại món ăn hải sản ngon, sạch sẽ. Đẩy nhanh xây dựng Trung tâm thể thao biển giải trí biển Coral reef kịp thời phục vụ hè năm 2008 với các loại hình giải trí như: lặn biển ngắm san hô, du ngoạn quanh bán đảo Sơn Trà, môtô nước, dù bay, lướt sóng, lướt ván, thuyền buồm, bar, café, dancing, tổ chức sự kiện văn hoá thể thao. Chọn vị trí xây dựng Nhà trưng bày sinh vật biển, xây dựng cầu tàu du lịch phục vụ việc đưa đón khách.

Bên cạnh việc tổ chức các loại hình dịch vụ ven biển, chúng ta cần phủ xanh diện tích vĩa hè trên các tuyến đường du lịch ven biển và các khu chức năng công trình. Cây xanh chọn lọc các loại phù hợp môi trường biển như dương liễu, cây dừa, cây tra .. Từng bước xã hội hoá công tác trồng và chăm sóc cây xanh, trồng cây có chọn lọc, có dáng và kích thước chuẩn theo quy định .. .việc chăm sóc tỉa cành cần chú trọng kỹ hơn nhằm tạo cảnh quan kết hợp lối đi dạo để du khách có thể tản bộ ngắm cảnh.

Quản lý thống nhất các dịch vụ trên bãi biển, xã hội hoá các hoạt động kinh doanh dịch vụ, tuyên truyền giáo dục mọi người về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, chế tài mạnh đối với các hành vi gây mất trật tự, vệ sinh chung ... dùng khoản thu đó để duy trì đội ngũ giữ gìn trật tự, thu dọn vệ sinh trên bãi biển. Hướng dẫn các cá nhân làm dịch vụ cần có thái độ hoà nhã, hiếu khách, từng bước giảm dần cho đến xoá bỏ nạn chèo kéo khách.

Biển Đà Nẵng được thế giới biết đến khi được tạp chí uy tín Forbes năm 2005 bình chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Như vậy, tiềm năng và sự hấp dẫn của biển Đà nẵng đã được định rõ trên bản đồ du lịch biển thế giới, chúng ta cần tổ chức khai thác lợi thế tiềm năng du lịch biển một cách nghiêm túc và có khoa học. Trong thời đại hội nhập với nhiều giá trị văn hoá đan xen, biển Đà Nẵng sẽ khó có thể giữ chân du khách nếu thiếu đi bản sắc địa phương, những điểm nhấn đặc trưng và những sản phẩm du lịch đặc thù. Vì vậy cần từng bước xây dựng và phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, góp phần chung tay xây dựng thương hiệu du lịch “biển Đà Nẵng” đến với du khách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ktsminhhaidn@gmail.com