Trên các diễn đàn gần đây có nhiều tranh luận xung quanh một bài viết về việc học tiến sĩ. Bài viết có đề cập phần nào đến việc học tiến sĩ tại “trời Tây”: “Nếu bạn ở các nước đó, bạn xưng là tiến sĩ, thì thiên hạ sẽ nhìn bạn với hai con mắt: một là kính nể, hai là nghi ngờ. Lý do họ nghi ngờ? Vì công chúng thừa biết những anh tốt nghiệp đại học không việc làm, chả có cách nào khác tiếp tục học thêm và rồi cũng có đủ thứ bằng này nọ. Chính vì vậy, ở bên ấy, khi phỏng vấn, người ta không thích đề cập đến bằng cấp mà đến những việc đã làm. Đã từ lâu, những xã hội văn minh hiểu rằng khoa học cần phải được ứng dụng. Mất tính ứng dụng, kiến thức chỉ còn là một mớ trưng bày, và để… ngồi lên.”
Thực tế thế nào?
Con đường đau khổ
Lê, nghiên cứu sinh ngành công nghệ thông tin tại trường Đại học Monash (Úc), cho biết: “Tại Úc, có nhiều con đường để sinh viên chọn lựa tiếp tục học tiến sĩ. Tuy nhiên, tất cả những con đường ấy đều có một điểm chung là sinh viên phải đáp ứng được những yêu cầu đầu vào khắt khe. Sinh viên theo học các khóa học cử nhân kéo dài bốn năm có thể tiếp tục học PhD nếu được cấp bằng Cử nhân Danh dự (Bachelor Degree Honours) do đạt kết quả xuất sắc trong quá trình học. Hoặc sau khi tốt nghiệp cử nhân, sinh viên có thể tiếp tục học thêm một năm nữa để lấy bằng Cử nhân danh dự. Với những sinh viên đã có bằng cử nhân, con đường học thạc sĩ (research-nghiên cứu hoặc coursework-tín chỉ) giúp sinh viên có cơ hội học tiếp lên PhD.”
Thời gian trung bình cho một sinh viên hoàn thành khóa học tiến sĩ tại Úc là 3,5-4 năm. Thời gian làm PhD nói chung được chia làm hai giai đoạn cơ bản: thời gian đầu (từ 8 đến 18 tháng) - nghiên cứu sinh tập trung vào việc phác thảo đề tài và kế hoạch cụ thể để trình bày trước một hội đồng giám khảo; giai đoạn tiếp theo được dành để tập trung vào nghiên cứu, thí nghiệm và tìm giải pháp cụ thể. Trong giai đoạn này, người học cần hoàn tất ít nhất ba bản báo cáo (conference papers) về đề tài mình đang nghiên cứu để tham dự các hội nghị quốc tế chuyên ngành, 2-3 công trình nghiên cứu (journal articles) được công bố cho thấy sự đóng góp quan trọng về mặt kiến thức hoặc ứng dụng của kiến thức này trong một chuyên ngành nào đó và cuối cùng là viết luận án tốt nghiệp (thesis).
Tại Mỹ, tùy theo xếp hạng của trường đại học mà thời gian học tiến sĩ cũng khác nhau, xếp hạng càng cao thì thời gian học 6-7 năm là chuyện phổ biến - Huy, nghiên cứu sinh ngành kinh tế tại Mỹ, cho biết.
Học tiến sĩ tại Mỹ nhìn chung gồm hai giai đoạn chính. 2-3 năm đầu học các chuyên đề và 2-4 năm sau làm luận án. Khác với một số trường ở Anh và Úc, hệ thống học tiến sĩ ở Mỹ không đặt nặng yêu cầu sinh viên phải có đề cương nghiên cứu. Ngay ở giai đoạn một, vốn rất quan trọng, sinh viên có cơ hội tiếp cận với rất nhiều khối kiến thức, trường phái khác nhau trong chuyên ngành để sau đó mới biết mình thích gì và muốn nghiên cứu gì. Kết thúc giai đoạn một, sinh viên được phép thi hai lần, nếu trượt cả hai thì ‘giấc mộng’ học PhD xem như chấm dứt. Sau khi đã vượt qua kỳ thi này, sinh viên bắt đầu học những môn chuyên sâu và bắt đầu nghiên cứu các đề tài mà mình dự định nghiên cứu. Sang giai đoạn này, sinh viên phải dự một kỳ thi gọi là comprehensive examination gồm hai phần viết và vấn đáp. Nếu thành công ở kỳ thi này thì bước sang giai đoạn làm luận văn, nếu không thì con đường PhD cũng dừng tại đây, tuy nhiên sinh viên vẫn được cấp bằng thạc sĩ.
Hành trình cô đơn
My, Tiến sĩ ngành Xử lý Laser (Laser Technology) Đại học Swinburne (Úc), chia sẻ: “Học tiến sĩ là con đường lặng thầm, vất vả và cô đơn vì phải tự mày mò nghiên cứu là chính. Mệt mỏi nhất là những lúc làm không ra kết quả hay cứ mãi loay hoay với chuyện viết bài”. Khác với học đại học hay thạc sĩ với hình thức học nhóm là phổ biến, học tiến sĩ chủ yếu tự mình nghiên cứu là chính.
Cùng chung với ý kiến của My, Huy bổ sung thêm: “Học tiến sĩ khó khăn vì mình không biết sẽ làm ra được kết quả gì và có khi phải bỏ cuộc giữa chừng nếu bị ‘mắc kẹt’ trong khi nghiên cứu. Bản thân thì cô đơn vì lúc nào đầu óc cũng chỉ nghĩ đến luận văn, nếu người yêu không hiểu và không biết chia sẻ thì cũng đành phải chịu.”
Có người bảo rằng đây là quá trình học một thầy một trò nhưng đôi khi chỉ mình trò bị mắc kẹt trong mớ bòng bong vì đã bị thầy ‘đem con bỏ chợ’. Lê đang ở giai đoạn cuối của chương trình tiến sĩ, thế nhưng khi nộp luận văn cho giáo sư hướng dẫn chính xem lại lần cuối thì được phán cho một câu rằng bài viết không chặt dù tuần nào Minh cũng có buổi thảo luận với thầy. Lê nói: “Giá như thầy dành nhiều thời gian cho mình hơn và góp ý ngay từ những buổi thảo luận trước đó thì bây giờ mình đâu phải rối như thế này!”.
Minh, hiện trong giai đoạn đầu của chương trình tiến sĩ tại trường Monash, thì đang trong cảnh ‘dầu sôi lửa bỏng’ - vừa chăm con mới sinh, vừa lo gia đình mà vẫn phải đảm bảo hoàn thành chương trình học trong ba năm vì học bổng của anh quy định thời gian học như vậy.
Hùng, một nghiên cứu sinh khác tại trường LaTrobe (Úc) thì đang bận rộn với chuyện kết hôn bởi có lời đùa trong giới nghiên cứu sinh rằng nếu không lấy vợ sớm, trước hoặc trong khi học PhD, thì các anh chàng tiến sĩ sẽ... có vấn đề sau khi hoàn thành việc học(!).
Sự công nhận của xã hội
Hành trình cô đơn và đầy thử thách là thế nên cũng không có gì là lạ khi các nghiên cứu sinh nhận được sự đãi ngộ tương xứng sau khi hoàn thành chương trình học. Có khá nhiều du học sinh Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ hiện đang giảng dạy tại các trường đại học cũng như tham gia vào các dự án nghiên cứu trên khắp thế giới.
Đầu tháng Tư vừa qua, tám trường đại học hàng đầu của Úc đã đề nghị chính phủ xem xét việc cấp thường trú cho những nghiên cứu sinh hoàn tất bằng tiến sĩ tại Úc. Các trường đại học muốn chính phủ đưa ra một loại visa mới cho nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ. Theo đề xuất, nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ được phép cư trú tại Úc ba năm sau khi hoàn thành khóa học để học hỏi và bồi đắp thêm kinh nghiệm, đồng thời sẽ có một đường hướng rõ ràng để xin được thường trú nếu họ quan tâm. Mục đích của đề xuất này là nhằm thu hút và giữ chân những nhà nghiên cứu giỏi cũng như tạo được một nền kinh tế tri thức cho nước Úc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
ktsminhhaidn@gmail.com